Những thói quen như tắt đồng hồ báo thức để ngủ lại, uống cà phê khi còn quá sớm hay lướt điện thoại lúc vừa thức dậy đều sẽ khiến cơ thể mệt mỏi cả buổi sáng, thậm chí cả ngày, Daily Mail dẫn lời ông Karan Raj, bác sĩ đồng thời là giảng viên tại Đại học Sunderland (Anh).
Tắt báo thức rồi ngủ lại
Tắt đồng hồ báo thức để tiếp tục ngủ sẽ làm chu kỳ ngủ bắt đầu lại. Khi đó, cơ thể sẽ tiếp tục tiết ra các hoóc môn gây ngủ.
Tuy nhiên, chúng ta không thể ngủ lâu và phải thức dậy ít phút sau đó. Các hoóc môn ngủ sẽ tiếp tục gây buồn ngủ và khiến cơ thể mệt mỏi cả buổi sáng, thậm chí kéo dài tình trạng này đến chiều.
Lướt điện ngay khi thức dậy
Một thói quen khác là vừa thức dậy đã bật điện thoại lên để lướt mạng xã hội hay xem tin nhắn. Đây cũng là một thói quen cần phải tránh.
Khi vừa thức dậy, não chúng ta chưa thể tỉnh táo ngay. Do đó, bộ não cần thời gian để dần dần chuyển từ trạng thái mê ngủ sang tỉnh táo.
Nhưng khi vừa thức dậy, thói quen sử dụng ngay điện thoại cho các thao tác cần sự tập trung cao như lướt mạng xã hội, xem tin nhắn, đọc email sẽ khiến bộ não buộc phải tỉnh táo ngay lập tức mà không có thời gian thích ứng. Hành động này khiến não bị căng thẳng và có thể làm cơ thể mệt mỏi cả ngày, bác sĩ Karan giải thích.
Uống cà phê khi còn quá sớm
Cortisol là loại hoóc môn căng thẳng được cơ thể tiết ra để duy trì tỉnh táo và làm tăng đường huyết. Thông thường, cơ thể sẽ tiết nhiều hoóc môn cortisol nhất là vào khoảng 8 đến 9 giờ sáng.
Trong khi đó, cà phê có chứa caffeine có tác dụng kích thích và làm tỉnh táo. Nếu chúng ta uống cà phê quá sớm thì thời điểm chất caffeine có tác dụng sẽ trùng với lúc cơ thể tiết ra nhiều hoóc môn cortisol. Khi đó, tác dụng giúp tỉnh táo của cà phê sẽ kém đi, bác sĩ Karan giải thích.
Thay vào đó, ông khuyên mọi người hãy đợi đến lúc nồng độ hoóc môn cortisol trong cơ thể giảm xuống, chẳng hạn như vào buổi trưa, thì hãy uống cà phê. Lúc này, tác dụng giúp tỉnh táo của cà phê sẽ phát huy hiệu quả hơn, theo Daily Mail.
Bình luận (0)