300 công nhân miền Tây 'mắc kẹt' giữa TP.HCM và Long An khi về quê tránh Covid-19

Bắc Bình
Bắc Bình
27/07/2021 19:14 GMT+7

Một nhóm lao động hơn 300 người miền Tây ở Đồng Nai vừa có kết quả âm tính Covid-19 đã lập tức về quê . Nhưng, đến tỉnh Long An thì lâm vào cảnh 'tiến thoái lưỡng nan' do tỉnh này đóng cửa theo quy định còn TP.HCM chỉ có thể cho quay trở lại Đồng Nai chứ không thể dừng và ở lại TP vì đang thực hiện giãn cách.

Đi không được, quay lại cũng không xong

Gọi vào đường dây nóng của Báo Thanh Niên, anh Dương Thanh Điền (ngụ tỉnh Cà Mau) cho biết đã hơn 4 tiếng đồng hồ liên tục, anh cùng với hơn 300 người khác về từ tỉnh Đồng Nai đã bị chặn tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 của tỉnh Long An trên QL1 (đoạn giáp ranh giữa H.Bình Chánh, TP.HCM và H.Bến Lức, Long An.).

300 công nhân "vạ vật" ở cửa ngõ Long An trên đường về quê tránh dịch Covid-19

Mặt trời đã lặn nhưng những người dân lao động miền Tây vẫn "chôn chân" tại trạm kiểm soát dịch và mong được ngành chức năng tỉnh Long An tổ chức cho qua tỉnh để về quê nhà

ẢNH: B.B

“Chúng tôi cùng làm công nhân tại tỉnh Đồng Nai, sáng hôm nay được chính quyền tỉnh Đồng Nai test nhanh kháng nguyên Covid-19 trong cộng đồng thì có kết quả âm tính. Ai có kết quả âm tính với Covid-19 thì được về quê và chúng tôi đã rất mừng vì về quê còn có cái mà ăn. Chạy xe máy cùng nhau trên QL1 qua cả địa bàn TP.HCM cũng không có ai chặn lại nhưng trạm kiểm soát dịch Covid-19 của tỉnh Long An thì cương quyết buộc chúng tôi quay đầu. Trong khi bây giờ chốt phía TP.HCM cũng không cho vào địa bàn. Hàng quán thì người ta cũng dẹp hết rồi”, anh Điền rất lo lắng.
Trả lời Thanh Niên, lãnh đạo PC08 TP.HCM cho biết sẵn sàng tạo điều kiện để nhóm người này quay trở lại Đồng Nai nhưng không thể dừng, hoặc ở lại TP.HCM vì TP đang thực hiện chỉ thị giãn cách.
Câu chuyện của anh Điền và hơn 300 người lao động miền Tây về từ tỉnh Đồng Nai được đại tá Lâm Minh Hồng, Giám đốc Công an tỉnh Long An, cho biết chốt kiểm dịch trên QL1 tại H.Bến Lức đã làm rất đúng, rất cương quyết theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh Long An.

Những người lao đồng miền Tây đang bị kẹt cho biết họ sẽ về quê ở dài hạn

ẢNH: B.B

Theo đó, từ ngày 25.7, Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh Long An đã phong tỏa toàn bộ các con đường dân từ TP.HCM vào tỉnh, bao gồm cả QL1. Ngoại trừ các trường hợp cấp cứu, thi hành công vụ, chở hàng hóa thiết yếu và các vấn đề cấp thiết khác có giấy xác nhận mới được lưu thông vào tỉnh Long An. Riêng đối với người dân đi phương tiện xe máy thì không vào được Long An, bao gồm cả những người quê ở Long An và có giấy test nhanh kháng nguyên âm tính với Covid-19 còn hiệu lực (tỉnh Long An quy định là 5 ngày).
“Thực hiện theo Công văn của Chủ tịch UBND tỉnh thì từ 18 giờ tối nay người dân Long An cũng sẽ không được ra đường để Covid-19 không lây lan ra cộng đồng, trong khi phía TP.HCM đã thực hiện trước Long An về việc này. Tôi sẽ xin ý kiến lãnh đạo UBND tỉnh để xem xét về trường hợp của hơn 300 người miền Tây đi làm ở Đồng Nai bị kẹt tại Bến Lức theo phản ánh của PV Báo Thanh Niên”, đại tá Hồng cho hay.

Sáng 28.7: Cả nước 2.861 ca Covid-19; riêng TP.HCM chiếm 2.115 ca, Hà Nội 69 ca

Người dân miền Tây muốn về quê từ TP.HCM cần phải làm gì?

Trước đó ngày 26.7, UBND tỉnh Long An đã gửi văn bản đến 12 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về việc phối hợp đưa người từ TP.HCM trở về địa phương.

Do tình hình dịch bệnh Covid-19 rất phức tạp nên Long An đang phải áp dụng nhiều biện pháp mạnh để mong nhanh chóng dập dịch, đưa cuộc sống trở lại bình thường

ẢNH: B.B

Để người dân trở về địa phương bảo đảm an toàn, chu đáo trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Long An đề nghị UBND các tỉnh, thành phố: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và TP Cần Thơ thông tin về kế hoạch đưa người lao động, người dân đang làm việc, học tập tại TP.HCM trở về địa phương.
Trong đó cần đưa ra danh sách, số lượng phương tiện và thời gian dự kiến đi chuyển qua địa bàn tình Long An, để UBND tỉnh Long An chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi trong suốt quá trình di chuyển.
Theo hướng dẫn, người dân miền Tây muốn di chuyển được qua địa bàn tỉnh Long An thì trước hết phải liên hệ với Hội đồng hương hoặc chính quyền tỉnh mình. Hội đồng hương hoặc chính quyền tỉnh có người lao động muốn vào Long An sẽ liên hệ với chính quyền tỉnh Long An để được phối hợp.
UBND tỉnh Long An đề nghị UBND 12 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long quan tâm, phối hợp giúp người lao động, người dân trở về địa phương được an toàn trong việc phòng, chống dịch Covid-19.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.