Chia sẻ với người nông dân trước buổi đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, lĩnh vực nông nghiệp, nông dân đã đóng góp rất quan trọng cho các mục tiêu năm 2024 nhờ thành tích rất ấn tượng. Xuất nhập khẩu đạt kỷ lục khoảng 62,5 tỉ USD, cao hơn mục tiêu 55 tỉ USD mà Thủ tướng giao.
Năm 2025 là năm phải tăng tốc, bứt phá để kết thúc thắng lợi nhiệm kỳ Đại hội XIII, ngành nông nghiệp, người nông dân cũng phải tăng tốc bứt phá.
Nêu câu hỏi đầu tiên với Thủ tướng, bà Vũ Thị Thương Huyền, Giám đốc HTX chè Thịnh An, TT.Sông Cầu (H.Đồng Hỷ, Thái Nguyên) chia sẻ trên thực tế việc tích tụ đất đai quy mô đủ lớn cho hợp tác xã còn một số khó khăn, vướng mắc do hiện chưa có cơ chế, pháp lý rõ ràng để "tổ chức kinh tế tập thể" như hợp tác xã, tổ hợp tác xã.
Về chủ trương quy hoạch đất, đang thiếu quy hoạch liên vùng, liên tỉnh, dẫn đến việc có những vùng sản xuất nông nghiệp tương đồng ở hai tỉnh giáp ranh nhưng mỗi tỉnh lại có một quy hoạch khác nhau, ảnh hưởng đến việc hình thành chuỗi sản xuất lớn. Thời gian tới Chính phủ sẽ có chính sách gì để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trên?, bà Huyền đặt câu hỏi.
Trả lời bà Huyền, Bộ trưởng TN-MT Đỗ Đức Duy cho hay, luật Đất đai 2024 đã có những điểm mới quan trọng để thực hiện tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để tổ chức sản xuất nông nghiệp.Thông qua 3 phương thức là chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp theo phương án dồn điền, đổi thửa; thuê quyền sử dụng đất; hợp tác sản xuất, kinh doanh bằng quyền sử dụng đất.
Nêu các điểm mới của luật đã giải quyết được các vướng mắc, tồn tại của luật cũ, song theo ông Duy, do luật mới có hiệu lực từ ngày 1.8 nên bà con chưa đủ thời gian để nghiên cứu tiếp nhận. Đề nghị chính quyền địa phương khi xây dựng quy hoạch sử dụng đất cũng nêu rõ vấn đề mà bà con quan tâm về các vùng giáp ranh...
Nông nghiệp vẫn đang manh mún, tự phát
Ông Nguyễn Quốc Huy, Chủ tịch, Giám đốc HTX nấm Tam Đảo (Vĩnh Phúc), quan tâm tới việc Chính phủ sẽ có chính sách ưu đãi gì để khuyến khích xây dựng thêm nhiều vùng nguyên liệu tập trung cho các sản phẩm khác như tôm, cá tra, dược liệu, dâu tằm tơ... Đâu là chính sách ưu đãi đủ mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã tập trung đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản hiện đại gắn với vùng nguyên liệu tập trung?
Trong khi đó, bà Hoàng Thị Gái, Chủ tịch kiêm Giám đốc HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ tổng hợp nông nghiệp xã An Hòa (Vĩnh Bảo, Hải Phòng), thì cho rằng nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp sau thiên tai, dịch bệnh không còn phù hợp với thực tế.
Cụ thể Nghị định 02 của Chính phủ về hỗ trợ rủi ro thiên tai, có quy định mức hỗ trợ tối đã cho 1 ha cây trồng bị thiệt hại trên 70% chỉ được 2 triệu đồng, nếu chia bình quân ra chỉ được có 75.000 đồng/sào.
Bà Gái mong muốn Chính phủ chỉ đạo để các ngân hàng thương mại giãn, hoãn các khoản vay cũ, đồng thời cho vay mới để người nông dân kịp thời khôi phục sản xuất. Đồng thời có giải pháp giúp người nông dân dễ tiếp cận với dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp hơn, nhất là các hộ sản xuất lớn.
Theo Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan, cuộc đối thoại mang tính chất chia sẻ nhiều hơn. Về quy hoạch, ông Hoan cho rằng phải hiểu khi có vùng nguyên liệu lớn thì ranh giới phát triển nó phải lớn, vai trò liên kết phải được phát huy chứ không thể chỉ bó hẹp trong 1 xã, 1 huyện.
"Đúng là nền nông nghiệp của ta đang manh mún tự phát, nếu không tập trung thành các vùng nguyên liệu lớn thì cứ nhỏ lẻ, manh mún mãi", ông Hoan nêu.
Giải pháp theo Bộ trưởng NN-PTNT là xây dựng tiêu chí đánh giá để khi ghép vùng nguyên liệu lớn, phải đi kèm nâng cao năng lực quản trị, khuyến nông, phối hợp nông nghiệp, công thương để phát triển cho vùng nguyên liệu tập trung đó.
Bình luận (0)