4 cơn bão và áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông di chuyển thế nào?

Đình Huy
Đình Huy
28/09/2024 16:40 GMT+7

Cơ quan khí tượng của Việt Nam cho biết, ở tây bắc Thái Bình Dương có 2 cơn bão, 2 áp thấp nhiệt đới, các cơn bão này có tỷ lệ đi vào Biển Đông rất thấp.

Chiều 28.9, Cơ quan khí tượng quốc gia Philippines (PAGASA) cho biết, áp thấp nhiệt đới ở phía đông nước này đã mạnh lên thành bão Julian. Tâm bão đang cách Aparri tỉnh Cagayan (Philippines) khoảng 465 km về phía đông. Đây là cơn bão gần Biển Đông nhất.

4 cơn bão và áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông di chuyển thế nào?- Ảnh 1.

Bão Julian là cơn bão gần Biển Đông nhất

ẢNH: PAGASA

Trong những giờ tiếp theo, bão di chuyển chậm theo hướng nam tây nam. Sức gió duy trì mạnh nhất trong bão nhiệt đới Julian gần 65 km/giờ gần tâm bão và gió giật lên tới 80 km/giờ.

Bão Julian dự kiến di chuyển về phía tây nam hoặc tây trong ngày 28.9. Sau đó, bão di chuyển hướng tây bắc ngày 29.9 và duy trì cho tới ngày 30.9 để hướng tới khu vực quần đảo Batanes - Babuyan của Philippines.

Vùng áp thấp trên Biển Đông nối với bão Krathon gây gió giật cấp 10

Sau khi gây ảnh hưởng ở Philippines, bão Julian sẽ tăng tốc về phía đông bắc qua vùng biển phía đông vào 1.10.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, bão Julian được các cơ quan khí tượng quốc tế và nước ta nhận định ít có khả năng di chuyển vào Biển Đông.

Ngoài ra, cơ quan này cho biết, hiện nay, trên khu vực tây bắc Thái Bình Dương có 2 cơn bão, 2 áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên, các cơn bão, áp thấp nhiệt đới này đều di chuyển lên phía bắc của vùng biển bắc Thái Bình Dương, chưa có dấu hiệu di chuyển vào Biển Đông. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đang theo dõi sát diễn biến của các cơn bão, áp thấp nhiệt đới này.

Cơ quan khí tượng cho biết thêm, từ tháng 10 - tháng 12.2024, hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện 4 - 5 cơn; khoảng 2 - 3 cơn đổ bộ đất liền. Các tỉnh khu vực miền Trung cần rà soát các phương án sẵn sàng ứng phó mưa lũ cực đoan trong tháng 10 - tháng 11.2024.

Đỉnh lũ năm 2024 ở các sông từ Quảng Bình - Khánh Hòa ở mức báo động 2 - báo động 3 và trên báo động 3, các sông ở Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận trên báo động 2.

Lũ năm 2024 ở đầu nguồn sông Cửu Long dao động ở trên mức báo động 1; đỉnh lũ tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long ở mức báo động 2 - báo động 3 và trên báo động 3; cao nhất trong khoảng 4 năm gần đây và thấp hơn năm 2018.

Ngoài ra, từ đêm 28 - 30.9, ở miền Bắc xuất hiện một đợt mưa giông 30 - 60 mm, có nơi mưa to trên 100 mm, đề phòng nguy cơ trượt lở đất tái xuất hiện. Từ ngày 1 - 3.10, từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế có mưa vừa, mưa to.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.