Bão Yagi (bão số 3) đổ bộ trực tiếp nước ta, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) nhận định, bên cạnh những kết quả nổi bật trong triển khai ứng phó, khắc phục hậu quả bão và mưa lũ sau bão, thiệt hại do bão, lũ quét, sạt lở đất vẫn còn rất lớn, với những khó khăn, tồn tại.
Những tồn tại, nguyên nhân dẫn đến thiệt hại nặng do bão Yagi
Cụ thể, thiệt hại về người vẫn còn lớn (344 người chết và mất tích), số người chết do sạt lở đất, lũ quét (264 người chết và mất tích) chiếm tỷ lệ cao. Các kịch bản, phương án với những tình huống thiên tai lớn, trên diện rộng, khu vực vùng sâu, vùng xa khi bị chia cắt... còn hạn chế, chưa bài bản, chưa phù hợp thực tế.
Việc cảnh báo tác động, nguy cơ thiệt hại do bão, mưa lũ còn chưa cụ thể, người dân chưa hình dung được những thiệt hại nghiêm trọng khi bão đổ bộ cũng như tác động sau khi bão đã đổ bộ, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tư tưởng chủ quan trong ứng phó.
Cạnh đó, chưa thực hiện nghiêm túc, triệt để công tác cắt tỉa cành cây, chằng chống, gia cố nhà cửa, công sở, kho tàng, biển báo, biển quảng cáo… dẫn đến bị tốc mái, gãy đổ rất nhiều; phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác ứng phó thiên tai, cứu hộ cứu nạn còn thiếu và yếu, nhất là khi xảy ra tình huống vùng sâu, vùng xa, vùng bị chia cắt.
Lũ lịch sử 53 năm qua ở sông Hồng do đâu?
Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng nói chung, nhất là nhà dân, công trình phòng, chống thiên tai, cơ sở hạ tầng còn thấp trước sức tàn phá của bão, lũ; hệ thống giao thông thường xuyên xảy ra sạt lở, ngập sâu, chia cắt...
Công tác dự báo, cảnh báo sớm, chính xác, phạm vi hẹp nhất là về mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong chỉ đạo điều hành, ứng phó với thiên tai. Dự báo, cảnh báo mưa lớn, lũ vượt lịch sử; dự báo mưa lũ phục vụ vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng (nhất là hồ Thác Bà) chưa kịp thời, tin cậy, chưa bám sát thực tế và yêu cầu của công tác chỉ đạo điều hành.
Chưa có bản đồ nguy cơ sạt lở đất lũ quét tới từng thôn, bản để người dân biết cũng như phục vụ công tác di dời, sắp xếp dân cư, công tác chỉ đạo ứng phó.
Bên cạnh những tồn tại trên, Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai đánh giá còn những nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến nhiều thiệt hại về người, tài sản như thiên tai đã và đang diễn ra ngày càng khốc liệt, bất thường và vượt lịch sử kể cả về cường độ, phạm vi ảnh hưởng mà bão số 3 là một điển hình.
Với địa hình đồi núi có độ dốc cao, chia cắt mạnh, kết cấu đất vùng núi phần lớn là bở rời, dễ sạt trượt, kết hợp với mưa rất lớn trong thời đoạn ngắn đã gây sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại hầu hết các tỉnh miền núi và trung du Bắc bộ, nhất là tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng... và ngập lụt nghiêm trọng tại các khu vực thấp trũng ở cả miền núi, trung du và đồng bằng Bắc bộ.
Cạnh đó, kinh phí bố trí cho công tác phòng, chống thiên tai còn hạn chế, phân tán dẫn đến xử lý các trọng điểm đê điều, hồ đập xung yếu kéo dài nhiều năm; khu neo đậu tàu thuyền công suất chỉ đạt khoảng 50% nhu cầu; thiếu nguồn lực để thực hiện các chương trình, đề án, dự án phòng chống thiên tai.
Ngoài ra, các cấp chính quyền một số địa phương mới chỉ chú trọng ứng phó khi thiên tai xảy ra; công tác phòng ngừa ít được quan tâm kể cả sau những đợt thiên tai lớn. Chưa thực hiện tốt công tác lồng ghép phòng chống thiên tai vào phát triển kinh tế xã hội, xây dựng công trình nên còn xảy ra sự cố khi thiên tai lớn.
Nhìn lại cơn bão Yagi lịch sử: Những hậu quả khủng khiếp và đau lòng
Bài học lớn về tổ chức, chỉ đạo phối hợp liên ngành phòng, chống thiên tai
Cơ quan của Bộ NN-PTNT đánh giá, bão Yagi (bão số 3) đi qua đã gây ra những tổn thất nghiêm trọng về người và tài sản nhưng cũng để lại những bài học lớn về tổ chức, chỉ đạo phối hợp liên ngành phòng, chống thiên tai liên quan đến thể chế, hạ tầng, nhân lực…
Vì vậy, cần rà soát, điều chỉnh thể chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội để xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai.
Đặc biệt, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để chủ động trong chỉ đạo điều hành, đồng thời công tác thông tin, truyền thông, cảnh báo, dự báo phải được đưa ra bằng những hình ảnh minh họa dễ hiểu, thể hiện tác động cho từng đối tượng (nhà ở, cây xanh, tàu thuyền,…) để nâng cao nhận thức của người dân và chính quyền, hiểu biết về mức độ tàn phá của bão lũ, nhằm khắc phục tư tưởng chủ quan trong ứng phó.
Đồng thời, đảm bảo thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai đến được người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, khu vực bị chia cắt để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai cho rằng, công tác phối hợp chỉ đạo, điều phối liên ngành là yếu tố quan trọng trong công tác phòng, chống thiên tai, trong đó cần xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm và quy trình thực hiện trong tổ chức chỉ đạo, nhất là tình huống khẩn cấp cần xử lý ngay, nếu không kịp thời có thể gây thảm họa về người.
Chân dung 2 trưởng thôn Làng Nủ và Kho Vàng: Những người hùng trong thảm họa
Điển hình như anh Ma Seo Chứ, Trưởng thôn Kho Vàng (xã Cốc Lầu, H.Bắc Hà, Lào Cai), đã phát hiện và vận động cả thôn 115 người sơ tán đến nơi an toàn, tránh được thiệt hại do sạt lở đất; 142 giáo viên và học sinh Trường Mường Hum (H.Bát Xát, Lào Cai) đã sơ tán đến nơi an toàn trước khi cả quả đồi sạt xuống.
Lũ lớn, đặc biệt lớn làm nhiều tuyến đê bị tràn, sự cố. Tuy nhiên, với sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương, lực lượng quản lý đê chuyên trách và sự chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện theo phương án xử lý trọng điểm được xây dựng trước mùa mưa bão nên đã đảm bảo an toàn cho các tuyến đê, nhất là các tuyến đê từ cấp 3 đến cấp đặc biệt bảo vệ khu vực đông dân cư, công trình cơ sở hạ tầng quan trọng, trong đó có thủ đô Hà Nội.
Ngoài ra, các địa phương đã tích cực, chủ động huy động các nguồn lực trong ứng phó; huy động sức mạnh, nguồn lực tổng hợp ngân sách, nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài, phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh của nhân dân trong khắc phục hậu quả để sớm ổn định đời sống, phục hồi sản xuất.
Bình luận (0)