Ngày 9.5, TAND TP.Hà Nội mở phiên tòa xét xử, tuyên phạt bị cáo Lê Văn Trình (49 tuổi) mức án 16 năm tù, Nguyễn Đình Quang (30 tuổi) mức án 14 năm 6 tháng tù, về 2 tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận, các tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Cùng vụ án, Đào Viết Điệp (30 tuổi, đều trú tại Thái Bình) bị tuyên phạt 2 năm tù về tội sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận, các tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Đây là 3 bị cáo chuyên tiếp tay cho các đường dây mạo danh cán bộ công an lừa đảo người dân, bằng việc tẩu tán nguồn tiền phi pháp.
Hé lộ thủ đoạn tẩu tán "tiền bẩn"
Theo cáo trạng, tháng 10.2020, bà P.T.H (79 tuổi, trú tại Hải Dương) bị một đối tượng xưng là cán bộ công an, thông báo bà liên quan đến một đường dây tội phạm rửa tiền. Người này yêu cầu bà H. rút toàn bộ gần 600 triệu đồng trong sổ tiết kiệm, chuyển vào số tài khoản theo chỉ định, để "phục vụ xác minh".
Do lo sợ, bà H. làm theo thì bị lừa sạch. Quá trình điều tra, cơ quan tố tụng xác định Lê Văn Trình Và Nguyễn Đình Quang là những người liên quan đến đường dây lừa đảo. Hai người bị TAND tỉnh Hải Dương tuyên phạt lần lượt 14 và 13 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Quá trình triệt phá vụ án nêu trên, Công an tỉnh Hải Dương phát hiện Trình và Quang còn gây ra nhiều vụ việc tương tự trên địa bàn Hà Nội, nên chuyển hồ sơ cho Công an TP.Hà Nội điều tra theo thẩm quyền. Đến nay, Trình, Quang và Đào Viết Tiệp bị đưa ra xét xử.
Kết quả điều tra cho thấy, 3 bị cáo cùng nhiều thanh niên khác không có nghề nghiệp, công việc ổn định. Nhóm này thường xuyên tụ tập tại nhà của Trình.
Giữa năm 2020, Trình nhận được điện thoại của Nguyễn Thị Hằng - chị gái của vợ cũ Trình, đang bị truy nã về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hằng đề nghị Trình mở tài khoản ngân hàng để tham gia hợp thức tiền phi pháp cho các đường dây lừa đảo.
Trình đồng ý thì được một người đàn ông (chưa rõ lai lịch) đưa cho 20 triệu đồng, hướng dẫn đi thu mua chứng minh nhân dân loại 9 số, sau đó thay ảnh, đăng ký mở tài khoản ngân hàng. Tiền phi pháp sẽ chuyển vào các tài khoản này, Trình rút tiền, chuyển vào các tài khoản khác theo chỉ định, được hưởng "hoa hồng" 20%.
Thực hiện kế hoạch, Trình bảo Quang và Điệp đi tìm mua chứng minh dân dân ở các cửa hàng cầm đồ rồi thay ảnh của mình vào các chứng minh nhân dân này. Mục đích là để mở tài khoản ngân hàng, cung cấp số tài khoản cho người đàn ông chưa rõ lai lịch.
Với số tiền 20% được trích lại từ nguồn tiền phi pháp, Trình chia cho Quang 25%, cho Điệp từ 1 - 2 triệu đồng mỗi lần rút tiền thành công.
Chuyên đe dọa, lừa đảo người già
Cơ quan điều tra xác định, ngoài vụ việc ở Hải Dương, Trình và đồng phạm gây ra 3 vụ khác tại Hà Nội, qua đó chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng của 3 cụ bà.
Trong số này, tháng 10.2020, bà L.T.N (85 tuổi) nhận được cuộc gọi của một đối tượng xưng là công an, thông báo số tiền đang nằm trong sổ tiết kiệm của bà có liên quan đến vụ án rửa tiền.
Bà N. được yêu cầu chuyển hết tiền vào tài khoản mà đối tượng cung cấp, bèn làm theo, và bị lừa 570 triệu đồng. Trong số này, bà chuyển 60 triệu đồng vào tài khoản do Nguyễn Đình Quang mở. Số còn lại, bà chuyển vào nhiều tài khoản khác theo chỉ định.
Một nạn nhân khác là bà N.T.M (86 tuổi), cũng nhận được cuộc gọi và yêu cầu tương tự. Để chứng minh mình vô tội, cụ bà này chuyển 300 triệu đồng vào tài khoản do nhóm Lê Văn Trình mở bằng các chứng minh nhân dân giả. Nhận được tiền, Trình chỉ đạo đồng bọn chuyển tiền qua internet banking tới nhiều tài khoản khác.
Bị hại cuối cùng là bà N.T.V (83 tuổi), bị lừa 365 triệu đồng. Bà V. bị đe dọa liên quan đến đường dây ma túy ở nước ngoài, nên chuyển tiền vào tài khoản của nhóm bị cáo. Kết quả là mất sạch.
Như vậy, tổng số tiền Trình giúp các đối tượng lừa đảo của 3 cụ bà là 725 triệu đồng. Trình được hưởng lợi 145 triệu đồng, chia cho Quang hơn 36 triệu đồng.
Bình luận (0)