Theo DigitalTrends, 4 loại lừa đảo giả danh quảng cáo nhắm vào tuổi teen và hiện tăng trên TikTok gồm: mời gọi kiếm tiền dễ dàng; giả làm người nổi tiếng để quảng cáo sản phẩm; tráo và nâng giá trị của hàng hóa được giao và hứa hẹn hỗ trợ tiền học phí.
Satnam Narang, nhà nghiên cứu tại Tenable cho biết các loại hình lừa đảo trên bắt đầu nở rộ vào tháng 2, trước khi dịch Covid-19 bùng phát rộng. Mở đầu là việc nhiều nhóm lừa đảo tạo các ứng dụng giả để lừa người dùng nhỏ tuổi vốn đang có tâm lý muốn kiếm thu nhập một cách dễ dàng. Gần đây là sự xuất hiện tràn ngập của thuốc ăn kiêng nói riêng cũng như các loại thuốc khác. Sau đó, hình thức mới là cung cấp thẻ quà tặng miễn phí, cùng với hứa hẹn giao hàng giá trị cao.
Khoảng một phần ba trong số 100 triệu người dùng hằng tháng của TikTok dưới 14 tuổi. Những bạn trẻ này gần như không có nhiều thu nhập và dễ bị dẫn dụ bởi một quảng cáo gợi ý việc “kiếm tiền dễ dàng”.
Đáng chú ý, báo cáo của Tenable có mô tả về một ứng dụng tên iMoney, tuyên bố trả tiền cho người dùng khi hoàn thành tác vụ internet cơ bản như tải xuống các ứng dụng khác, chơi trò chơi hoặc thậm chí chi tiền cho một mặt hàng trên Amazon và để lại đánh giá.
iMoney thường tạo quảng cáo trên TikTok và ngụy trang thành một ứng dụng khác, sau đó cũng hứa hẹn giúp người dùng kiếm tiền nhanh chóng. Tenable phát hiện, ở mức trung bình, người dùng chỉ kiếm ra 0,23 USD cho mỗi tác vụ hoàn thành và đó là nếu như họ thực sự được trả tiền.
Báo cáo còn cho thấy iMoney giả mạo đến 5 ứng dụng khác nhau trên App Store. Nó còn yêu cầu người dùng tải một chứng chỉ lạ về điện thoại, hoặc cung cấp giấy phép lái xe hay chứng minh thư để rút tiền. Tất cả điều này vi phạm điều khoản dịch vụ của Apple. Nhiều người dùng phàn nàn không thể rút về số thu nhập ít ỏi mà họ đạt được trong ứng dụng.
Trò lừa phổ biến tiếp theo là nội dung có người nổi tiếng ca tụng cho các loại thuốc ăn kiêng. Báo cáo phát hiện ra những lời khen này là giả vì kẻ lừa đảo sử dụng nhiều video được chỉnh sửa lại, thường lồng ghép vào sự hiện diện của Oprah, Snoop Dogg, Tina Lawson và Beyoncé. Chúng khôn khéo sử dụng người nổi tiếng đang gặp vấn đề về cân nặng và lấy họ làm ví dụ.
Satnam Narang đã nghiên cứu về lừa đảo trên mạng xã hội trong hơn 10 năm qua và giải thích sự gia tăng của vấn đề này là chuyện chắc chắn sẽ xảy ra khi một nền tảng đang dần lớn mạnh. Anh hy vọng TikTok sẽ học hỏi điều này từ những cái tên lớn khác. Anh cũng mong đợi các nền tảng mạng xã hội nói chung sẽ nhìn vào vấn đề rồi lên kế hoạch xử lý, thuê đúng người để giải quyết. Facebook, Apple và Amazon từng được Narang liên hệ về những tình huống lừa đảo.
Phía TikTok chưa trả lời khi được hỏi rõ về việc tiêu chuẩn của họ có hiệu lực với đối tượng nào, ai hay đơn vị nào được phép quảng cáo trên nền tảng.
Bình luận (0)