4 môn thi đấu được kỳ vọng là ‘mỏ vàng’ của Việt Nam ở SEA Games 32

4 môn thi đấu được kỳ vọng là ‘mỏ vàng’ của Việt Nam ở SEA Games 32

02/05/2023 07:24 GMT+7

Dù chủ nhà Campuchia cắt giảm nhiều môn thế mạnh của đoàn Thể thao Việt Nam nhưng vẫn còn nhiều môn thể thao khác là niềm hy vọng trong việc cạnh tranh huy chương vàng tại SEA Games 32.

Ở kỳ SEA Games 32, chủ nhà Campuchia cắt bỏ nhiều môn quan trọng thuộc hệ thống Olympic và cũng là thế mạnh của Thể thao Việt Nam khỏi chương trình thi đấu như bắn súng, bắn cung, futsal hay canoeing,… Do đó, Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2023 sẽ là thách thức rất lớn cho đoàn thể thao Việt Nam trong việc cạnh tranh huy chương. Ở SEA Games 31, Thể thao Việt Nam đứng đầu toàn đoàn nhưng đến Đại hội năm nay, đoàn Thể thao Việt Nam giảm mục tiêu xuống thành tốp 3. Trong đó, 4 bộ môn sau được kỳ vọng sẽ mang về nhiều huy chương vàng nhất.

Môn đấu kiếm

4 môn thi đấu được kỳ vọng là ‘mỏ vàng’ của Việt Nam ở SEA Games 32 - Ảnh 1.

Vũ Thành An và Nguyễn Văn Quyết là 2 niềm hy vọng vàng ở môn đấu kiếm

NGỌC DƯƠNG

Hướng tới mục tiêu giữ vững vị thế số 1 tại SEA Games 32, đội tuyển đấu kiếm Việt Nam đã hội quân từ tháng 1 tại Trung tâm Huấn luyện Thi đấu Thể dục thể thao Hà Nội và trải qua các đợt tập huấn nghiêm túc. Bên cạnh việc tập luyện chuyên môn, ban huấn luyện tuyển đấu kiếm Việt Nam còn duy trì tổ chức các buổi đấu tập nội bộ nhằm giúp vận động viên hoàn thiện kỹ năng thực chiến, đồng thời học hỏi và hỗ trợ nhau trong quá trình thi đấu.

Bên cạnh các huấn luyện viên nội, tuyển đấu kiếm Việt Nam còn có sự hỗ trợ chuyên môn của chuyên gia người nước ngoài Ayrst Abdulmanov. Nguyễn Văn Quyết được xem là kiếm thủ số 2 ở nội dung kiếm chém, sau đàn anh Vũ Thành An.

Mục tiêu của đội tuyển đấu kiếm Việt Nam tại SEA Games 32 là giành ít nhất 3 huy chương vàng và giữ vững vị trí số 1 Đông Nam Á.

4 môn thi đấu được kỳ vọng là ‘mỏ vàng’ của Việt Nam ở SEA Games 32

Môn thể dục dụng cụ

Thành tích ấn tượng tại SEA Games 31 với 7 huy chương vàng, 7 huy chương bạc và 8 huy chương đồng là cơ sở để đội tuyển thể dục dụng cụ Việt Nam tiếp tục kỳ vọng về một kỳ Đại hội thành công trên đất Campuchia. Tuy nhiên, so với kỳ SEA Games trước, năm nay đội tuyển thể dục dụng cụ Việt Nam đối diện với nhiều thách thức hơn, liên quan đến việc phân chia lực lượng tham dự các giải đấu khác nhau cũng như việc luật thi đấu có sự thay đổi.

Chưa kể, việc chủ nhà Campuchia cắt các nội dung của nữ tại SEA Games 32 buộc bộ môn thể dục dụng cụ Việt Nam phải xoay chuyển tập trung vào các nội dung của nam để hoàn thành chỉ tiêu 2-3 huy chương vàng. Các vận động viên trọng điểm năm nay vẫn xoay quanh Đinh Phương Thành, Lê Thanh Tùng.

Môn bơi

Ban tổ chức SEA Games 32 bỏ nội dung 800 mét nam sở trường của Nguyễn Huy Hoàng, khiến Việt Nam mất cơ hội đoạt 1 huy chương vàng. Tuy vậy, kình ngư người Quảng Bình vẫn được kỳ vọng sẽ bảo vệ vị thế số một ở 3 nội dung khác, gồm 400 mét, 1.500 mét tự do và 200 mét bơi bướm. Trần Hưng Nguyên cũng có 3 nội dung bảo vệ huy chương vàng gồm 200 mét, 400 mét hỗn hợp và 200 mét ngửa. Trong khi đó, Phạm Thanh Bảo sẽ bảo vệ huy chương vàng nội dung 50 mét và 100 mét bơi ếch. Bên cạnh đó, đội tuyển bơi có thể tranh chấp huy chương vàng hai nội dung đồng đội 4x100m mét và 4x200 mét tự do.

Mục tiêu của Huy Hoàng và các đồng đội là giữ vững vị trí thứ 2 và cố gắng giành được nhiều huy chương vàng nhất có thể.

Môn vật

Trong nhiều kỳ đại hội vừa qua, vật luôn là môn thể thao thế mạnh của Việt Nam. Cách đây 1 năm, đội tuyển vật Việt Nam giành được 17 huy chương vàng và 1 huy chương bạc tại SEA Games 31 trên sân nhà. Tuy nhiên, đến SEA Games 32 được tổ chức tại Campuchia, đội tuyển vật lại đối diện với nhiều thử thách về lực lượng lẫn chuyên môn. Trong đó, việc chủ nhà Campuchia giới hạn đăng ký các nội dung thi đấu, khiến đội tuyển vật Việt Nam chỉ được tranh tài 6/10 hạng cân và mục tiêu huy chương buộc phải điều chỉnh, là giành từ 9-12 huy chương vàng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.