4 nhóm tình huống nên dùng thuốc dự phòng trước phơi nhiễm HIV

Liên Châu
Liên Châu
25/09/2022 17:28 GMT+7

Virus HIV tấn công các tế bào T-CD4 của hệ miễn dịch, làm suy yếu hệ miễn dịch. PrEP là điều trị dự phòng trước phơi nhiễm cho người có hành vi nguy cơ cao chưa nhiễm HIV.

HIV/AIDS và cơ chế bảo vệ của thuốc PrEP

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), cơ thể chúng ta bình thường khi bị vi khuẩn, virus xâm nhập sẽ được bảo vệ bởi các tế bào đặc biệt trong hệ miễn dịch là tế bào T-CD4.

Nhưng khi virus HIV vào trong cơ thể, chúng sẽ tấn công các tế bào T-CD4, làm vô hiệu hóa khả năng bảo vệ và sử dụng chính những tế bào này để nhân lên, giải phóng tạo ra hàng tỷ bản sao mỗi ngày.

Dần dần, khả năng bảo vệ của hệ miễn dịch suy yếu, khi đó các bệnh nhiễm trùng cơ hội sẽ tấn công và những người nhiễm HIV sẽ chết bởi những bệnh cơ hội đó (giai đoạn AIDS).

Cán bộ y tế tại Bà Rịa - Vũng Tàu tư vấn về phòng lây nhiễm HIV và sử dụng thuốc kháng virus

LIÊN CHÂU

Tuy nhiên, nếu đã sử dụng thuốc PrEP trước đó đều đặn hàng ngày theo hướng dẫn của cán bộ y tế, thuốc PrEP sẽ có tác dụng bảo vệ tế bào T-CD4 bằng cách ngăn cản sự phát triển chất xúc tác sinh học (enzym), là chất mà HIV dùng để tạo ra các bản sao virus mới, không cho virus HIV tấn công khiến chúng không thể nhân lên và bảo vệ cơ thể trước nguy cơ lây nhiễm HIV.

Lưu ý khi sử dụng PrEP

PrEP là sử dụng thuốc kháng virus (ARV) để dự phòng lây nhiễm HIV ở người có nguy cơ cao chưa bị nhiễm HIV, giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV. Với hiệu quả dự phòng lây nhiễm HIV tới trên 90%, PrEP đã là một biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV rất hiệu quả.

Hầu hết người dùng PrEP không gặp phải phản ứng bất lợi nào đáng kể. Nhưng cũng có một số ít trường hợp bị mệt mỏi, đau nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, tiêu chảy hay đau bụng. Các tác dụng phụ này biến mất sau một vài tuần nhưng nếu kéo dài hơn cần liên hệ với thầy thuốc để được hỗ trợ.

Mỗi 3 tháng phải kiểm tra sức khỏe một lần để đánh giá sức khỏe. PrEP được khuyến nghị trong thời gian bạn có nguy cơ cao lây nhiễm HIV.

Lịch khám PrEP

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, người có nguy cơ cao đến khám lần đầu sẽ được đánh giá, sàng lọc, xét nghiệm HIV kết quả âm tính, sau đó chuyển qua phòng khám và thực hiện một số xét nghiệm cơ bản, được cấp thuốc. Sau khám lần đầu cần khám lần 1 sau 1 tháng; khám lần 2 sau 2 tháng.

Sau đó, định kỳ tái khám mỗi 3 tháng 1 lần. Tất cả các lần khám đều được theo dõi các xét nghiệm theo đúng hướng dẫn của Bộ Y Tế.

Khi một người thường có hành vi nguy cơ cao bị nhiễm HIV như quan hệ tình dục không an toàn (không sử dụng bao cao su) và tiêm chích không an toàn (sử dụng chung bơm kim tiêm), hãy đến cơ sở cung cấp dịch vụ PrEP.

Tại cơ sở cung cấp dịch vụ, bác sĩ sẽ tư vấn, trao đổi để biết khách hàng có nguy cơ cao bị nhiễm HIV hay không. Tất cả các thông tin cá nhân được bảo mật.

PrEP dành cho ai?

Nam có quan hệ tình dục đồng giới. Người chuyển giới nữ.

Người bán dâm.

Người tiêm chích ma túy.

Bạn tình của người nhiễm HIV mà người nhiễm HIV đó chưa điều trị ARV hoặc điều trị ARV nhưng tải lượng HIV chưa đạt dưới ngưỡng phát hiện (200 bản sao/ml máu).

(Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.