Mệt mỏi kéo dài có thể kéo theo hàng loạt vấn đề bất ổn trong cuộc sống. Tác hại đầu tiên cần nhắc đến là mệt mỏi làm giảm tập trung, trí nhớ kém và dễ dẫn đến tai nạn khi làm việc, tập luyện. Ngoài ra, tình trạng mệt mỏi này còn làm suy giảm hệ miễn dịch và dễ mắc các bệnh viêm nhiễm, theo chuyên trang sức khỏe Verywell Health (Mỹ).
Để hạn chế cơ thể rơi vào trạng thái mệt mỏi, mọi người cần tránh những thói quen sau:
Bỏ bữa sáng
Sau một đêm ngủ dài, chúng ta cần ăn sáng để cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Do đó, không ăn sáng sẽ khiến lượng đường glucose trong máu giảm xuống thấp, khiến cơ thể uể oải, thiếu năng lượng. Một bữa sáng lành mạnh cần có protein, ngũ cốc nguyên hạt và trái cây, rau củ. Những món này có thể cung cấp năng lượng dồi dào, ổn định trong những giờ làm việc, học tập sau đó.
Ăn quá nhiều đường
Các món ăn ngọt và đồ uống có đường có thể giúp cung cấp năng lượng nhanh chóng cho cơ thể. Tuy nhiên, đường huyết trong máu tăng nhanh thì cũng giảm nhanh. Đường huyết giảm sẽ khiến cơ thể rơi vào trạng thái mệt mỏi, cáu kỉnh.
Thay vì ăn các món nhiều đường, mọi người nên ưu tiên ăn trái cây tự nhiên, các loại hạt, quả hạch hay ngũ cốc nguyên hạt.
Không uống đủ nước
Không uống đủ nước sẽ dễ khiến cơ thể rơi vào trạng thái mất nước và mệt mỏi. Nguyên nhân là do cơ thể thiếu nước sẽ phải làm việc vất vả hơn để duy trì các chức năng, trong đó có vận chuyển dinh dưỡng và ô xy đến tế bào. Nếu uống ít nước trở thành thói quen thì tình trạng mệt mỏi do mất nước sẽ thường xuyên tái diễn, đặc biệt là khi trời nóng.
Ngồi quá nhiều
Lối sống ít vận động rất dễ khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi và lười làm mọi việc. Nguyên nhân là do ngồi nhiều, thiếu vận động thể chất sẽ làm chậm quá trình lưu thông máu và giảm lượng ô xy cung cấp cho cơ và não. Hệ quả là khiến cơ thể dễ rơi vào trạng thái uể oải.
Cách tốt để ngăn tình trạng này là thường xuyên tập thể dục. Thậm chí, các hoạt động như kéo giãn cơ, đi bộ nhanh cũng có thể giúp chúng ta tỉnh táo, giảm mệt mỏi, theo Verywell Health.
Bình luận (0)