Mệt mỏi, tụt huyết áp nhập viện, phát hiện bị sốc nhiễm trùng đường tiết niệu

Lê Cầm
Lê Cầm
19/09/2024 13:01 GMT+7

Bà N.T.C (68 tuổi, ngụ Củ Chi, TP.HCM) được người nhà đưa đến bệnh viện vì tụt huyết áp chưa rõ nguyên nhân, cơ thể mệt mỏi.

Khai thác bệnh sử ghi nhận, cách nhập viện một ngày, người bệnh khởi phát cơn đau bụng quanh rốn âm ỉ, thỉnh thoảng đau tức hông phải, đại tiện phân sệt. Được biết, bà C. có tiền căn mắc nhiều bệnh lý nền như tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ.

Tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á (TP.HCM), người bệnh được các bác sĩ hồi sức nâng huyết áp với bù dịch và hai loại thuốc vận mạch; song song đó, thăm khám kỹ lưỡng nhiều chuyên khoa để chẩn đoán nguyên nhân.

Ngày 19.9, thạc sĩ - bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Vĩnh Bình, Trưởng khoa Ngoại tiết niệu, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á (TP.HCM), cho biết điều đặc biệt là khám lâm sàng bệnh nhân này không có dấu hiệu nào đặc trưng của bệnh lý nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Đồng thời, các bác sĩ chụp cắt lớp vi tính cho thấy thận phải ứ nước độ 1, niệu quản không giãn, các xét nghiệm chỉ điểm nhiễm khuẩn trên hệ tiết niệu không rõ ràng, xét nghiệm nước tiểu không ghi nhận bất thường.

Các bác sĩ nhận định đây là trường hợp sốc nhiễm khuẩn từ đường niệu không điển hình và lập tức chỉ định nội soi đặt thông JJ bể thận – niệu quản phải – bàng quang cấp cứu.

Trong quá trình phẫu thuật, ê kíp ghi nhận mủ đục chảy xuống từ ghi đặt thông JJ bể thận – niệu quản phải – bàng quang. Ngay sau khi đặt thông JJ cấp cứu, bệnh nhân tiếp tục hồi sức tại khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhân cải thiện huyết áp và ngưng thuốc vận mạch ngay trong đêm, bệnh nhân được chuyển qua khoa Ngoại tiết niệu để theo dõi chăm sóc tiếp tục vào sáng hôm sau với diễn tiến cải thiện rất ngoạn mục.

Mệt mỏi, tụt huyết áp nhập viện, phát hiện bị sốc nhiễm trùng đường tiết niệu- Ảnh 1.

Bệnh nhân hồi phục sau phẫu thuật

ẢNH: BSCC

Bác sĩ Bình cho biết, đây là trường hợp sốc nhiễm khuẩn từ đường tiết niệu do thận phải ứ nước nhiễm khuẩn, triệu chứng bệnh không điển hình và không có dấu hiệu chỉ điểm, diễn tiến lâm sàng thay đổi rất nhanh, có tụt huyết áp phải dùng vận mạch. Do không điển hình nên rất dễ bỏ sót và nếu chúng tôi không quyết liệt đưa ra quyết định đặt thông JJ cấp cứu thì bệnh nhân có thể đối mặt với diễn tiến xấu và nguy cơ tử vong rất cao.

Hiện tại, bệnh nhân hồi phục rất tốt, sinh hiệu ổn, không sốt, sonde niệu đạo nước tiểu vàng trong khoảng 4500ml/24h, xét nghiệm lại bilan nhiễm trùng, chức năng thận cải thiện tốt. Bệnh nhân tiếp tục điều trị kháng sinh với kháng sinh đồ theo đúng phát đồ điều trị.

Theo ước tính, tỷ lệ tử vong do nhiễm khuẩn huyết từ đường tiết niệu là 30% đến 40%. Mức độ nghiêm trọng của bệnh thường liên quan đến hội chứng suy hô hấp cấp tính, tổn thương thận cấp tính và bệnh đông máu nội mạch lan tỏa, suy đa cơ quan.

Theo bác sĩ Bình, bệnh nhân nhiễm khuẩn đường tiết niệu thường gặp phải các triệu chứng của nhiễm khuẩn huyết như sốt, lạnh run, thay đổi tri giác, tụt huyết áp thì cần phải được chăm sóc y tế ngay lập tức. Bởi lẽ, một khi biến chứng này xuất hiện thì nguy cơ người bệnh tử vong là rất cao. Khi người bệnh được chẩn đoán bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu, hãy tuân thủ điều trị và sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để ngăn nhiễm khuẩn tiến triển thành biến chứng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.