Các bác sĩ Đơn vị Bỏng Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư (Hà Nội) thông tin về ca bệnh bé gái 12 tháng tuổi (ở Bắc Ninh) bị bỏng vùng đầu, vai và cánh tay phải do ngã vào nồi canh nóng tại nhà. Trước nhập viện, gia đình đưa trẻ đến thầy lang gần nhà để chữa trị bỏng. Tại đây, trẻ được bôi mỡ trăn lên vết bỏng. Ngày thứ hai sau bỏng, trẻ bị sốt, được gia đình đưa đến BV Nhi T.Ư để điều trị. Tại Đơn vị Bỏng, trẻ được chẩn đoán bị bỏng nước canh độ 2, 3 (10%). Sau đợt điều trị, sức khỏe của trẻ ổn định và đã được ra viện.
Bác sĩ Phùng Công Sáng, phụ trách Đơn vị Bỏng BV Nhi T.Ư, cho biết bỏng nước canh tương tự như bỏng nước sôi, là loại bỏng nhiệt xảy ra khi tiếp xúc với canh nóng. Tuy nhiên, nguy cơ nhiễm trùng vùng bỏng cao hơn so với bỏng nước sôi. Trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, những vết bỏng này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Mức độ nguy hiểm của vết thương do bỏng nước canh phụ thuộc vào các yếu tố như: nhiệt độ; khoảng thời gian da tiếp xúc; diện tích vết thương bị bỏng canh và vị trí của vết bỏng. Nếu không được xử trí nhanh và đúng cách ngay từ đầu khi bị bỏng, vùng da bị tổn thương có nguy cơ bỏng sâu thêm và nhiễm trùng.
"Đối với trường hợp bệnh nhi trên, khi bôi mỡ trăn lên vết bỏng, trẻ sẽ có cảm giác dễ chịu hơn đối với vùng bỏng nông. Còn đối với vùng bỏng sâu, việc bôi mỡ trăn không những không có tác dụng cho điều trị giai đoạn sớm mà còn tăng nguy cơ nhiễm trùng, tăng độ sâu của bỏng, làm tình trạng của trẻ nặng lên", bác sĩ Sáng lưu ý.
Cha mẹ cần đặc biệt lưu ý phòng tránh bỏng cho trẻ trong gia đình: không cho trẻ chơi đùa ở nơi đang nấu ăn hoặc các nơi gần nguồn điện, dây dẫn điện, ổ cắm điện…; phải đặt, để đồ ăn uống nóng, các vật dễ cháy nổ như xăng, dầu, cồn, diêm, quẹt… ở nơi an toàn và tránh xa tầm tay của trẻ. Khi trông trẻ, người lớn cần có sự giám sát chặt chẽ, thường xuyên.
CÁCH SƠ CỨU
Theo hướng dẫn của Đơn vị Bỏng, sơ cứu khi bị bỏng nước canh cũng tương tự các loại bỏng nhiệt khác, nhằm giảm đau, giữ vệ sinh và ngăn ngừa nhiễm trùng.
Khi trẻ không may bị bỏng nước canh, trước tiên cha mẹ cần cách ly trẻ tránh xa tác nhân gây bỏng, cần ngâm bộ phận bị bỏng (tay, chân) của trẻ vào trong nước sạch, mát (từ 16 - 20 độ C, tốt nhất trong 30 phút đầu sau khi bị bỏng).
Nếu trẻ bị bỏng vùng mặt thì dùng khăn sạch ướt, mềm đắp lên. Nếu diện tích bỏng rộng, cần chú ý giữ ấm cho trẻ ở những phần không bị bỏng (tuyệt đối không dùng đá lạnh để tránh gây bỏng lạnh).
Không xoa dầu, bôi kem đánh răng, trứng gà, mỡ trăn, dầu cá, đắp lá… lên vùng da bị bỏng vì dễ nhiễm trùng.
Ngay sau khi sơ cứu, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Bình luận (0)