Cụ bà bị trầy xước nhỏ ở chân dẫn đến nhiễm trùng huyết nguy kịch

16/08/2024 10:33 GMT+7

Một cụ bà ở Hậu Giang bị trầy xước nhỏ ở cẳng chân dẫn đến nhiễm trùng huyết do vi khuẩn tụ cầu vàng đa kháng thuốc.

Ngày 16.8, nguồn tin từ Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết các bác sĩ của bệnh viện vừa cứu sống cụ bà bị nhiễm trùng huyết từ viêm mô bào do vết xước nhỏ ở cẳng chân. Đây là bệnh gây ra bởi vi khuẩn tụ cầu đa kháng thuốc, tỷ lệ tử vong rất cao.

Trước đó, cụ bà N.T.M.T (72 tuổi, ngụ TP.Ngã Bảy, Hậu Giang) bị vết xước nhỏ ở cẳng chân phải hơn 10 ngày, sau đó sưng đỏ và lan dần toàn bộ cẳng chân. Cụ bị sốt, ớn lạnh, kèm đau nhiều vùng cẳng chân phải, vết loét mặt ngoài rỉ mủ. Cách nhập viện 2 ngày, cụ bà xuất hiện triệu chứng ho ít đàm, kèm nặng ngực khó thở tăng dần.

Cụ bà bị trầy xước nhỏ ở chân dẫn đến nhiễm trùng huyết nguy kịch- Ảnh 1.

Vùng gối đến cẳng chân phải có lỗ rò mủ do bị nhiễm trùng huyết bởi vi khuẩn tụ cầu vàng đa kháng thuốc

ẢNH: HOÀNG XUÂN

Qua thăm khám, bác sĩ ghi nhận người bệnh lừ đừ, suy hô hấp mức độ trung bình nặng, thể trạng cushing nặng, suy kiệt, sưng đỏ mô bào từ vùng gối đến cẳng chân phải có lỗ rò mủ. Kết quả xét nghiệm ban đầu cho thấy các chất chỉ điểm nhiễm khuẩn tăng rất cao, hình ảnh X-quang thâm nhiễm 2 phổi dạng vi áp xe. Tiền sử người bệnh có sử dụng nhiều thuốc giảm đau không rõ loại kèm đái tháo đường loại 2 điều trị không thường xuyên.

Đánh giá tình trạng người bệnh là nặng, đội ngũ bác sĩ đã tiến hành hội chẩn thống nhất với chẩn đoán: suy hô hấp cấp, nhiễm khuẩn huyết từ viêm mô bào cẳng chân, viêm phổi nặng nguy cơ nhiễm khuẩn đa kháng trên cơ địa suy thượng thận mạn, đái tháo đường loại 2, suy kiệt.

Người bệnh được thở ô xy, sử dụng kháng sinh mạnh phổ rộng để diệt các chủng vi khuẩn đa kháng, kiểm soát đường huyết bằng thuốc tiêm, tiến hành rạch tháo mủ vùng cẳng chân phải, lấy bệnh phẩm mủ và đàm để thực hiện nuôi cấy vi khuẩn, theo dõi sát các dấu hiệu nhiễm trùng nặng mỗi ngày.

Sau 4 ngày điều trị, tình trạng bệnh cải thiện dần, hết sốt, ăn ngủ được, vùng sưng đỏ ở cẳng chân phải thu hẹp dần. Kết quả cấy mủ và đàm mọc vi khuẩn định danh là tụ cầu vàng đa kháng. Hiện tình trạng người bệnh cải thiện tốt, ngưng thở oxy, các chỉ số sinh hiệu ổn định, đã được xuất viện theo dõi ngoại trú sau 10 ngày điều trị.

Qua trường hợp cụ bà N.T.M.T bị nhiễm trùng huyết, ThS.BS Lê Trọng Nhân (Khoa Tổng hợp, Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long) khuyến cáo người bệnh có cơ địa đặc biệt như đái tháo đường, sử dụng thuốc giảm đau kéo dài hay suy thượng thận mạn, nếu có các vết thương hay vết xước trên người dù là nhỏ cũng không nên chủ quan. Khi gặp các triệu chứng vết thương nung mủ, sốt, ăn uống kém hay mệt mỏi toàn thân… cần đến bệnh viện chuyên khoa để được thăm khám và điều trị sớm tránh biến chứng nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.