Sáng nay, 4.12, diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2018 được tổ chức tại Hà Nội với chủ đề “Chia sẻ cơ hội trong xu thế chuyển dịch thương mại toàn cầu”. Diễn đàn có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhìn nhận, năm 2018 là năm đã ghi nhận những chuyển biến rất tích cực về môi trường kinh doanh. Ông Lộc cho biết đa số các doanh nghiệp theo khảo sát của VCCI gần nhất đều cảm nhận rõ điều này. Những kết quả này gắn liền với sự chủ động, quyết liệt của Chính phủ, và là kết quả ban đầu của việc thực hiện hiệu quả loạt Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ.
Những chuyển động dù rất ấn tượng, song theo Chủ tịch VCCI, vẫn chưa đạt được như kỳ vọng của doanh nghiệp. Đáng chú ý, mức độ chuyển biến không đồng đều, có sự chênh lệch khá lớn giữa các lĩnh vực và địa phương.
Một dẫn chứng có thể kể đến là công tác kiểm tra tuy có chuyển biến tích cực nhưng doanh nghiệp vẫn còn bị phiền hà nhiều. Cụ thể, dẫn khảo sát, ông Lộc nói rằng tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh kiểm tra từ 2 lần vẫn còn 40%, có giảm so với mức 48% của năm trước.
Từ đó, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị, các địa phương cần giao nhiệm vụ cho cơ quan thanh tra tỉnh làm đầu mối kiểm soát các hoạt động thanh kiểm tra doanh nghiệp trong tỉnh, thậm chí kể cả các cuộc thanh kiểm tra của các bộ ngành T.Ư.
“Theo đó, mọi cuộc thanh tra theo kế hoạch phải được thông báo trước cho cơ quan thanh tra tỉnh để sắp xếp và bố trí nhằm đạt 3 mục tiêu: giảm số lần và thời gian thanh, kiểm tra; không thanh, kiểm tra trùng lặp; tăng tối đa số đoàn liên ngành, thay vì mỗi đơn vị tiến hành riêng lẻ, áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra. Đây cần phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm của các bộ ngành, chứ không thể chỉ dừng lại ở giai đoạn nghiên cứu, cân nhắc áp dụng như hiện nay”, ông Lộc đề xuất.
Theo chương trình, sau phần khai mạc, diễn đàn gồm có 3 phiên chính để thảo luận. Phiên một là các báo cáo của nhóm công tác về hạ tầng, điện và năng lượng cùng nhóm công tác thị trường vốn.
Phiên thứ hai có chủ đề nâng cao kiến thức phục vụ ngành công nghiệp hiện đại với báo cáo của nhóm công tác giáo dục, nông nghiệp và nhóm công tác du lịch.
Phiên thứ ba là báo cáo của nhóm công tác đầu tư và thương mại về tăng cường khả năng cạnh tranh và giảm gánh nặng quan liêu để tận dụng các hiệp định tự do thương mại và các cơ hội thương mại khác.
Cuối mỗi phiên đều có phản hồi từ phía đại diện của Chính phủ Việt Nam.
Bình luận (0)