46.100 cán bộ dôi dư do sáp nhập huyện, xã sẽ được giải quyết thế nào?

Lê Hiệp
Lê Hiệp
17/07/2023 14:38 GMT+7

Việc sắp xếp hơn 1.300 huyện, xã trong 2 năm tới sẽ làm phát sinh khoảng 46.100 cán bộ dôi dư. Những người này sẽ được sắp xếp ra sao?

Số cán bộ dôi dư sau sáp nhập nhiều hơn 4 lần 

Nghị quyết về sáp nhập huyện, xã giai đoạn 2023 - 2030 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí thông qua, dự kiến Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ ký chứng thực ban hành trong tuần này.

46.100 cán bộ dôi dư do sáp nhập huyện, xã sẽ được giải quyết thế nào? - Ảnh 1.

Việc giải quyết số cán bộ dôi dư gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn 2019 - 2021. Trong hình là 7 cán bộ làm việc tại Phòng một cửa của UBND xã Đại Đồng (H.Thanh Chương, Nghệ An) vào năm 2020, sau khi sáp nhập 3 xã thành 1 trong khi quy định chỉ là 2 - 3 cán bộ

KHÁNH HOAN

Theo tờ trình của Chính phủ, trong giai đoạn 2023 - 2025 dự kiến sẽ tiến hành sắp xếp đối với khoảng 33 đơn vị hành chính cấp huyện và khoảng 1.327 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp.

Số này chưa tính số đơn vị hành chính thuộc diện khuyến khích sắp xếp do địa phương có nhu cầu.

Báo cáo tại phiên họp thứ 24 Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi tuần trước, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay, khi tiến hành sắp xếp, số cán bộ lãnh đạo đơn vị hành chính cấp huyện dôi dư khoảng 2.500 người; cấp xã khoảng 27.900 người; cán bộ không chuyên trách cấp xã khoảng 16.000 người. Tổng cộng khoảng 46.100 người.

Số này cao hơn gấp nhiều lần so với số cán bộ dôi dư khi tiến hành sáp nhập huyện, xã giai đoạn 2019 - 2021.

Theo báo cáo của Chính phủ, trong giai đoạn 2019 - 2021, đã tiến hành sắp xếp 21 đơn vị cấp huyện, 1.056 đơn vị hành chính cấp xã. Tổng cộng là 1.077 đơn vị huyện, xã.

Số cán bộ cấp huyện dôi dư là 706 người; còn ở cấp xã là 9.705 người. Tổng cộng là 10.411 cán bộ. Số này chỉ bằng hơn 22% so với số cán bộ dự kiến sẽ dôi dư khi tiến hành sắp xếp huyện, xã trong 2 năm tới đây.

Việc sắp xếp và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ dôi dư khi sáp nhập huyện, xã cũng được Chính phủ đánh giá là khó khăn và còn hạn chế. Tính đến 31.12.2022 vẫn còn phải tiếp tục giải quyết chế độ, chính sách đối với 58/706 (8,2%) cán bộ, công chức cấp huyện và 1.964/9.705 (20,2%) cán bộ, công chức cấp xã dôi dư.

Báo cáo của Chính phủ cũng cho hay, khung vị trí việc làm tại cấp xã, phòng, ban chuyên môn cấp huyện cơ bản đã bố trí đủ nên rất khó khăn để sắp xếp đội ngũ dôi dư. Điều này dẫn đến tình trạng cùng một vị trí việc làm có nhiều công chức hơn so với quy định.

Trong khi đó, một số trường hợp buộc phải biệt phái, điều chuyển công tác hoặc cho thôi việc nên cũng tác động đến tư tưởng của cán bộ, công chức, người lao động, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công việc.

Cạnh đó, phần lớn đội ngũ công chức hiện nay còn trẻ, thời gian tiến hành sắp xếp ngắn, chế độ, chính sách chưa đủ để hỗ trợ. Chính phủ cũng thừa nhận, việc thực hiện chế độ, chính sách và chi trả cho các đối tượng dôi dư có nơi còn chưa kịp thời…

Giải quyết chế độ, chính sách với cán bộ dôi dư thế nào?

Dự thảo nghị quyết được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua về sáp nhập huyện, xã giai đoạn 2023 - 2030 dành 1 chương để quy định chi tiết về kiện toàn tổ chức bộ máy và áp dụng các chế độ, chính sách đặc thù của đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp, bao gồm giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ dôi dư.

Về sắp xếp tổ chức bộ máy, lãnh đạo, cán bộ, công chức và chế độ chính sách đối với cán bộ dôi dư do thực hiện sắp xếp, tờ trình của Chính phủ cho hay, dự thảo nghị quyết quy định khi xây dựng đề án sắp xếp huyện, xã, các tỉnh phải chỉ đạo rà soát, dự kiến phương án bố trí, phân công nhiệm vụ cho cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với vị trí việc làm; đồng thời xác định rõ số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư gắn với việc thực hiện tinh giản biên chế.

Dự thảo nghị quyết cũng quy định việc sắp xếp số lượng lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan, tổ chức mới và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư phải có lộ trình phù hợp với đặc thù của từng địa phương.

Thời hạn để giải quyết cán bộ dôi dư là 5 năm (60 tháng) kể từ ngày nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành (đối với mỗi địa phương sẽ có một nghị quyết riêng về sắp xếp do địa phương chuẩn bị phương án và Bộ Nội vụ trình - PV).

Về chế độ, chính sách đối với cán bộ dôi dư, dự thảo nghị quyết quy định, thực hiện bảo lưu các chế độ, chính sách về tiền lương và phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với những người được tiếp tục làm việc nhưng không giữ các chức vụ trước đây cho đến hết nhiệm kỳ bầu cử (đối với những người giữ chức vụ do bầu cử) hoặc hết thời hạn bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý (đối với những người giữ chức vụ do bổ nhiệm).

Trường hợp thời hạn còn lại của nhiệm kỳ bầu cử hoặc thời hạn bổ nhiệm dưới 6 tháng thì được bảo lưu tròn 6 tháng.

Sau khi hết thời hạn được bảo lưu thì lương và phụ cấp chức vụ (nếu có) được thực hiện theo chức vụ, chức danh hiện giữ hoặc giải quyết nghỉ chế độ theo quy định.

Theo dự thảo nghị quyết, cán bộ dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tùy từng trường hợp được tuyển dụng, tiếp nhận, điều động, luân chuyển đến làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị theo yêu cầu nhiệm vụ hoặc hưởng các chế độ, chính sách cho người nghỉ hưu, thôi việc, tinh giản biên chế.

Ngoài ra, trên cơ sở cân đối ngân sách địa phương, các tỉnh sẽ ban hành chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư của cơ quan, tổ chức do sắp xếp các huyện, xã trên địa bàn.

Cùng với các quy định tại dự thảo nghị quyết, Nghị định 29 về tinh giản biên chế vừa được Chính phủ ban hành ngày 3.6, có hiệu lực từ 20.7 tới, cũng quy định chi tiết về chế độ đối với cán bộ dôi dư phải nghỉ hưu trước tuổi hoặc nghỉ việc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.