5 bộ phận dễ bị ảnh hưởng nhiều nhất khi mắc tiểu đường

Ngọc Quý
Ngọc Quý
14/11/2024 10:29 GMT+7

Bệnh tiểu đường đặc trưng với tình trạng đường huyết tăng cao quá mức. Nếu không kiểm soát, đường huyết cao trong thời gian dài sẽ làm tổn hại dây thần kinh và nhiều cơ quan quan trọng của cơ thể.

Một người mắc bệnh tiểu đường khi tuyến tụy của họ không tiết đủ hoóc môn insulin hoặc cơ thể không sử dụng hiệu quả lượng insulin hiện có. Có 3 loại tiểu đường chính, cả cấp tính và mạn tính, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).

5 bộ phận dễ bị ảnh hưởng nhiều nhất khi mắc tiểu đường- Ảnh 1.

Mắt là một trong những cơ quan nhạy cảm và dễ tổn thương nhất khi bị tiểu đường

ẢNH: PEXELS

Trong đó, tiểu đường loại 1 và loại 2 là mạn tính, tiểu đường thai kỳ là cấp tính. Những bộ phận dễ bị tác động tiêu cực từ tiểu đường gồm:

Tim và mạch máu

Đường huyết cao trong thời gian dài khiến mạch máu dễ bị tổn thương, dễ hình thành mảng bám trong mạch máu và tăng nguy cơ tắc nghẽn lưu thông máu. Hệ quả là bệnh nhân tiểu đường về lâu dài sẽ dễ bị huyết áp cao, đau tim và đột quỵ.

Dây thần kinh

Đường huyết cao sẽ làm tổn thương dây thần kinh, đặc biệt là ở chân. Hệ quả là gây cảm giác tê, đau và ngứa ran. Những tổn thương thần kinh này khiến người bệnh cảm nhận cơn đau kém. Hệ quả là người bệnh có thể không nhận ra các vết thương ở chân. Các vết thương này nếu không chăm sóc kỹ sẽ dễ bị nhiễm trùng, thậm chí cắt cụt chi.

Thận

Tiểu đường là một trong những nguyên nhân chính gây bệnh thận. Nguyên nhân là do đường huyết cao sẽ làm tổn hại chức năng lọc máu của thận. Hệ quả là gây suy thận. Nhiều người bệnh tiểu đường phải chạy thận nhân tạo, thậm chí ghép thận.

Mắt

Một trong những biến chứng có nguy cơ cao nhất ở bệnh nhân tiểu đường là bệnh võng mạc tiểu đường. Bệnh xảy ra khi lượng đường trong máu cao thời gian dài sẽ làm hỏng các mạch máu ở võng mạc, lớp màn thần kinh có chức năng tiếp nhận ánh sáng đi vào mắt. Ngoài ra, những người mắc tiểu đường cũng có nguy cơ cao bị tăng nhãn áp và đục thủy tinh thể.

Vấn đề về da

Người bị tiểu đường sẽ có nguy cơ cao mắc viêm da do vi khuẩn, nấm, đồng thời da họ cũng bị khô và vết loét cũng lâu lành hơn. Nguyên nhân là do đường huyết cao làm giảm khả năng miễn dịch, khiến hệ miễn dịch không thể duy trì khả năng chống lại vi khuẩn, virus, nấm và các tác nhân gây bệnh khác, theo Medical News Today.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.