5 câu chuyện về các chuyến công du của Tổng thống Mỹ

26/01/2015 08:24 GMT+7

(TNO) Tổng thống Obama đang có chuyến thăm đến Ấn Độ trong 3 ngày. Những chuyến đi như vậy thường phải được lên kế hoạch tỉ mỉ hàng tháng trời. Tờ Washington Post liệt kê 5 câu chuyện bên lề ít được biết xung quanh những chuyến đi này.

(TNO) Tổng thống Obama đang có chuyến thăm đến Ấn Độ trong 3 ngày. Những chuyến đi như vậy thường phải được lên kế hoạch tỉ mỉ hàng tháng trời. Tờ Washington Post liệt kê 5 câu chuyện bên lề ít được biết xung quanh những chuyến đi này.

 
Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ được nhiều người chú ý - Ảnh: Reuters
1. Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ làm nước chủ nhà được chú ý nhiều hơn
Hầu hết các quốc gia đều muốn Tổng thống Mỹ đến thăm, ngay cả những đối thủ địa chính trị của Mỹ. Việc lãnh đạo của quốc gia quyền lực nhất thế giới đến thăm luôn mang lại nhiều sự chú ý. Hơn nữa, nó còn mang lại một ý nghĩa mang tính chính thống cho một chính quyền mới nổi, như trường hợp của Myanmar, nơi Tổng thống Obama đến thăm vào tháng 11.
Tuy nhiên, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ không hẳn là chỉ mang đến những điều tích cực. Các tổng thống Mỹ thường nổi tiếng với những bài phát biểu về các chủ đề như dân chủ hay tự do ngôn luận tại những nước mà các giá trị như vậy không phải luôn luôn được yêu mến. Trong chuyến đi của ông Obama tới Trung Quốc năm 2009, các quan chức Trung Quốc đã bắt giữ nhiều người bất đồng chính kiến và chặn phát sóng cuộc họp của ông Obama với các sinh viên tại Thượng Hải - một cuộc họp mà Nhà Trắng hy vọng sẽ giúp khuyến khích xã hội Trung Quốc cởi mở hơn.
Tương tự như vậy, Steve Atkiss, trợ lý đặc biệt cho các hoạt động của Tổng thống George W. Bush, nhớ lại một chuyến đi của ông Bush đến Nga. Khi đó, nhiều nhà hoạt động xã hội dân sự đã không đến dự sự kiện tại Đại sứ quán Mỹ ở Moscow mặc dù đã được lên kế hoạch. "Họ đã nói rằng đó sẽ là một ý tưởng tồi," ông Atkiss cho biết.
 
Xe tăng Ấn Độ diễn tập duyệt binh - Ảnh: AFP
2. Các thành phố siết chặt an ninh
Các chuyến đi của tổng thống Mỹ yêu cầu an ninh cực kỳ nghiêm ngặt, tuy nhiên nhiều khi chính phủ các nước lại làm quá mức cần thiết. Trong chuyến thăm của Tổng thống Bush đến thành phố New Delhi năm 2006, các đại lộ chính nơi đoàn xe đi qua không có một bóng người, không có dấu hiệu gì về văn hóa đường phố, đám đông hay thi thoảng là những con bò, điều thường thấy tại Ấn Độ. “Chúng tôi đã phải nhìn xung quanh hàng trăm mét xem có người nào trên phố không”, ông Atkiss nhớ lại.
Trong các khách sạn nơi tổng thống Mỹ nghỉ ngơi, khách trọ tại đó sẽ được tự do sinh hoạt sau khi đi qua máy dò kim loại. Họ thậm chí có thể bắt gặp tổng thống trong phòng tập thể dục. Tháng 6 năm ngoái, ông Obama đã bị quay lén trong lúc tập thể dục tại khách sạn ở Ba Lan. Cơ quan Mật vụ cho biết không có vi phạm an ninh nào xảy ra và khách trong phòng tập có quyền làm điều đó.
Chiếc xe chống đạn chở Tổng thống Obama - Ảnh: Reuters
3. Tổng thống chịu nhiều nguy hiểm hơn trong các chuyến đi nước ngoài
Tất nhiên, trong bất kỳ chuyến thăm cấp cao nào, tổng thống đều có thể là mục tiêu. Đó là lý do mà cơ quan Mật vụ yêu cầu Chính phủ Ấn Độ thực hiện một ngoại lệ là cho phép ông Obama đi trên chiếc xe chống đạn riêng của mình trong cuộc diễu hành Ngày Cộng hoà, thay vì đi cùng Tổng thống Ấn Độ.
Tuy nhiên, không phải các chuyến đi của tổng thống đều không an toàn. Cơ quan Mật vụ thường dựa vào lực lượng an ninh nước ngoài để tăng thêm sức mạnh của mình khi tháp tùng tổng thống ra nước ngoài. Trong chuyến đi của Tổng thống Bush tới Tbilisi, Gruzia năm 2005, một người nào đó đã ném một quả lựu đạn về phía Tổng thống Mỹ khi ông đang phát biểu trước đám đông gần 10.000 người. Quả lựu đạn rơi cách nơi ông Bush đứng khoảng 30 mét nhưng không nổ.
Điều đó cho thấy, các kế hoạch bảo vệ của Mật vụ khi xa nhà được lên kế hoạch tỉ mỉ, và các quan chức an ninh thường phải cảnh giác cao độ. Một số nhân viên Mật vụ tin rằng các nhóm khủng bố có tổ chức hầu như tập trung vào các lỗ hổng trong những chuyến đi thường xuyên của tổng thống, khi các nhân viên an ninh có thể bị mất cảnh giác.
Ngoài ra, các biện pháp phòng ngừa đặc biệt cũng được áp dụng trong các chuyến xa nhà. Chẳng hạn như trong chuyến đi của Tổng thống Bush tới Pakistan, các quan chức an ninh Mỹ đã di chuyển bằng nhiều hình thức khác nhau, bao gồm đoàn xe hộ tống và trực thăng, do đó ngay cả các quan chức an ninh Pakistan cũng không hề biết tổng thống di chuyển bằng phương tiện nào.
Chuyên cơ Air Force One chở Tổng thống Mỹ - Ảnh: Reuters
4. Air Force One có thể được tiếp nhiên liệu trên không trong các hành trình dài
Máy bay chở tổng thống thường là chiếc Boeing 747, được trang bị chức năng tiếp nhiên liệu trên không. Tuy nhiên, chức năng này không bao giờ được thực hiện khi tổng thống đang ở trên máy bay, theo Washington Post dẫn lời các quan chức quân sự cho biết.
Chuyên cơ này có thể bay từ Washington đến Iraq mà không cần được tiếp nhiên liệu. Trong các hành trình dài đến châu Á, máy bay này thường dừng tại các căn cứ quân sự Mỹ ở Alaska hoặc Đức. Chuyên cơ của phó tổng thống và các thành viên khác trong nội các không có khả năng tiếp nhiên liệu khi bay.
Tổng thống Obama được Thủ tướng Ấn Độ Modi đón tiếp tại sân bay ngày 25.1 - Ảnh: Reuters
5. Chuyến đi của tổng thống có giá cao hơn chi phí cho chiến tranh Afghanistan
Khi Tổng thống Obama đến Ấn Độ vào năm 2010, ông nhanh chóng bị chỉ trích sau khi truyền thông Ấn Độ loan tin rằng chuyến đi này tốn 200 triệu USD mỗi ngày, trong khi chi phí mà Mỹ dành cho các hoạt động quân sự và chiến dịch ngoại giao tại Afghanistan vào thời điểm đó là 190 triệu USD/ngày.
Trong một bản ghi nhớ nội bộ của cơ quan Mật vụ bị rò rỉ cho thấy, trước chuyến thăm của ông Obama đến 3 nước châu Phi vào năm 2013, một chuyến công du nước ngoài đắt tiền đến mức nào. Chuyến đi gồm hàng trăm nhân viên Mật vụ nhằm bảo đảm cơ sở vật chất ở Senegal, Nam Phi và Tanzania; một tàu sân bay của Hải quân hoặc tàu đổ bộ, với một trung tâm y tế đầy đủ nhân viên, túc trực ngoài khơi đề phòng trường hợp khẩn cấp.
Bên cạnh đó, những máy bay vận tải quân sự chở theo 56 phương tiện hỗ trợ, trong đó có 14 xe hơi và ba xe tải chứa đầy những tấm kính chống đạn dùng để che chắn các cửa sổ của khách sạn nơi gia đình tổng thống ở lại. Ngoài ra, các máy bay chiến đấu được phân công tuần tra theo ca nhằm bảo đảm an toàn 24/24 giờ trên không phận những nơi ông Obama có mặt. Chi phí cho chuyến đi 8 ngày sang châu Phi của ông Obama được ước tính khoảng 60-100 triệu USD.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.