Mỹ, Ấn Độ cùng nhắm đến điều gì trong chuyến thăm của ông Obama?

25/01/2015 18:38 GMT+7

(TNO) Chuyến thăm Ấn Độ vào ngày 25.1 của Tổng thống Mỹ Barack Obama được đánh giá là một nỗ lực mới nhằm biến nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á thành một đối tác chiến lược lâu dài với Washington.

(TNO) Chuyến thăm Ấn Độ vào ngày 25.1 của Tổng thống Mỹ Barack Obama được đánh giá là một nỗ lực mới nhằm biến nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á thành một đối tác chiến lược lâu dài với Washington. Sau đây là những chủ đề chính nhiều khả năng sẽ được hai bên bàn bạc, theo nhận định của Reuters:

Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt từ Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khi ông đến New Dehli ngày 25.1 - Ảnh: Reuters

Tầm quan trọng chiến lược

Chính diện tích, vị trí địa lý, khả năng trở thành một đối trọng với Trung Quốc và nền kinh tế tăng trưởng tốt của Ấn Độ khiến quốc gia Nam Á này trở thành một yếu tố ngày càng quan trọng đối với chiến lược thương mại lẫn quân sự của Mỹ, Reuters bình luận.

Sự cương quyết của Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi trong khu vực đã đưa New Dehli về phía Washington, nhưng cả hai vẫn chưa đồng lòng về vấn đề Pakistan. Ngoài ra, Ấn Độ lo ngại trước việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan.

New Dehli muốn có một sự hợp tác chống khủng bố mạnh mẽ hơn và được Washington cho phép mua các thiết bị công nghệ cao dùng cho mục đích cả về dân sự lẫn quân sự.

Quốc phòng

Mỹ đã qua mặt Nga để trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Ấn Độ, chính phủ Modi thông báo hồi tháng 8.2014. Ấn Độ cũng là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới.

Các quan chức Mỹ dự đoán một cách tự tin rằng sẽ có thêm các thương vụ mua bán vũ khí được ký kết trong chuyến thăm Ấn Độ kéo dài 3 ngày của ông Obama, nhiều khả năng là thỏa thuận bán công nghệ sản xuất máy bay không người lái Raven và các hệ thống trang bị cho máy bay vận tải C-130 của Lockheed Martin.

“Chướng ngại vật” cho việc hai nước thắt chặt quan hệ chính là các quy định hạn chế tập đoàn nước ngoài nắm giữ cổ phần chủ chốt trong các công ty quốc phòng của Ấn Độ và các hạn chế của Mỹ trong lĩnh vực xuất khẩu công nghệ.

Hạt nhân dân sự

Mỹ và Ấn Độ đang tìm cách gỡ bỏ bất đồng giữa hai bên cho thương vụ trị giá hàng tỉ USD trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, nhưng hiện không rõ sẽ có thỏa thuận nào được ký kết hay không trong thời gian ông Obama ở Ấn Độ.

Washington và New Dehli đã ký một hiệp ước mang tính bước ngoặt về hạt nhân dân sự hồi năm 2008. Tuy nhiên, cả hai đã không đạt được thêm tiến triển gì khi Ấn Độ miễn cưỡng với quy định cho phép phía cung cấp không phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu xảy ra tai nạn hạt nhân.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) thảo luận cùng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi - Ảnh: AFP

Biến đổi khí hậu

Mỹ và Ấn Độ được cho là sẽ công bố các nỗ lực hợp tác cùng đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu.

Ấn Độ, quốc gia thải khí carbon nhiều thứ 3 thế giới, hiện đang chần chừ trong việc nối bước Mỹ và Trung Quốc đưa ra thời hạn bắt đầu giảm khí thải, viện cớ cần tăng trưởng kinh tế để xóa nghèo.

Reuters dự đoán thay vì đưa ra thời hạn, New Dehli nhiều khả năng sẽ công bố kế hoạch tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, lĩnh vực nước này đang cần vốn đầu tư và công nghệ của Mỹ và kế hoạch cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng.

Hợp tác kinh tế

Hồi năm 2014, Thủ tướng Ấn Độ Modi và Tổng thống Mỹ Obama đề ra mục tiêu đạt mức kim ngạch thương mại song phương thường niên 500 tỉ USD. Tuy nhiên, doanh nghiệp Mỹ đã cực kỳ bực tức khi bị hạn chế gia nhập vào thị trường Ấn Độ và vì phải đối phó với nạn ăn cắp bản quyền sáng tạo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.