Viện Kiểm sát Quân sự T.Ư vừa ban hành cáo trạng vụ tham ô tài sản xảy ra tại Bộ Tư lệnh (BTL) Cảnh sát biển. 7 bị can cùng bị truy tố tội danh trên, với khung hình phạt cao nhất đến tử hình.
7 bị can tại BTL Cảnh sát biển gồm: Nguyễn Văn Sơn, cựu trung tướng, cựu Tư lệnh; Hoàng Văn Đồng, cựu trung tướng, cựu Chính ủy; Doãn Bảo Quyết, cựu thiếu tướng, cựu Phó chính ủy kiêm Chủ nhiệm chính trị; Phan Kim Hậu, cựu thiếu tướng, cựu Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng; Bùi Trung Dũng, cựu thiếu tướng, cựu Phó tư lệnh; Nguyễn Văn Hưng, cựu đại tá, cựu Cục trưởng Cục Kỹ thuật và Bùi Văn Hòe, cựu thượng tá, cựu Phó trưởng phòng Tài chính.
Xem nhanh 20h ngày 2.2: Cựu tướng cảnh sát biển tham ô 50 tỉ | Vụ Nguyễn Phương Hằng lại trả hồ sơ
"TẤT CẢ ĐỒNG Ý VÀ KHÔNG CÓ Ý KIẾN GÌ KHÁC"
Năm 2019, Cục Kỹ thuật được phân bổ 150 tỉ đồng từ ngân sách để mua sắm vật tư, thiết bị cho các đơn vị. Với cương vị Tư lệnh BTL Cảnh sát biển, ông Nguyễn Văn Sơn yêu cầu Cục trưởng Cục Kỹ thuật Nguyễn Văn Hưng phải rút ra 50 tỉ đồng để chuyển lại cho BTL. Ông Hưng nói chưa bao giờ thực hiện việc này, rút ra 50 tỉ đồng là rất lớn, khó thực hiện, Thủ trưởng BTL Cảnh sát biển phải thống nhất chủ trương thì Cục mới làm.
Đầu tháng 4.2019, tại phòng ăn của Thủ trưởng BTL Cảnh sát biển, ông Sơn trao đổi với Chính ủy Hoàng Văn Đồng, Phó chính ủy Doãn Bảo Quyết và 2 Phó tư lệnh Phan Kim Hậu, Bùi Trung Dũng về việc "rút ruột" 50 tỉ đồng để chia nhau. "Tất cả đồng ý và không có ý kiến gì khác", cáo trạng nêu.
Đáng chú ý, để tạo điều kiện cho ông Hưng rút 50 tỉ đồng, ông Sơn chỉ đạo Phó trưởng phòng Tài chính Bùi Văn Hòe cắt toàn bộ kinh phí bảo quản, sửa chữa trang bị của 4 vùng cảnh sát biển, nhằm phân bổ thêm 29 tỉ đồng cho Cục Kỹ thuật. Vì thế, nguồn ngân sách được giao cho đơn vị này tăng lên 179 tỉ đồng.
Tháng 5.2019, ông Sơn ký quyết định giao dự toán ngân sách cho Cục Kỹ thuật và một lần nữa yêu cầu ông Hưng rút lại 50 tỉ đồng chuyển về BTL. Chấp hành chỉ đạo của cấp trên, ông Hưng trao đổi và yêu cầu 6 trưởng phòng thuộc Cục Kỹ thuật khi chi tiêu ngân sách phải rút lại 50 tỉ đồng để ông Hưng chuyển lại cho Thủ trưởng BTL.
Lúc đầu, cả 6 trưởng phòng đều nói khó thực hiện, tuy nhiên tiếp tục thực hiện, vì đây là "nhiệm vụ thủ trưởng giao và phải hoàn thành". Sau khi các phòng được thông báo phân bổ ngân sách, ông Hưng giao chỉ tiêu "rút ruột" cho từng đơn vị. Trong đó, Phòng Quản lý kỹ thuật cao nhất là 25 tỉ đồng; Phòng Khí tài điện tử 19,5 tỉ đồng; Phòng Xe máy ít nhất với 50 triệu đồng…
Căn cứ chỉ đạo của ông Hưng, 6 trưởng phòng phân chia nguồn ngân sách thành 29 gói thầu, trong đó 9 gói giá trị dưới 10 tỉ đồng để thuộc thẩm quyền Tư lệnh BTL Cảnh sát biển phê duyệt, không phải báo cáo Bộ Quốc phòng.
Nhóm này cũng chủ động đặt vấn đề với các nhà thầu để nâng giá vật tư, thiết bị nhằm "hỗ trợ đơn vị có nguồn quỹ vốn sử dụng vào mục đích phúc lợi". Để được tham gia và trúng thầu, các doanh nghiệp đồng ý nâng giá vật tư hoặc trích lại lợi nhuận.
Tình tiết bất ngờ vụ 5 cựu tướng lĩnh Cảnh sát biển tham ô 50 tỉ đồng
VỤ ÁN ĐẶC BIỆT NGHIÊM TRỌNG
Kết quả điều tra xác định, từ đề xuất của ông Hưng và ông Hòe, ông Sơn ký hợp đồng 29 gói thầu với 21 doanh nghiệp; trong đó 24 hợp đồng với 16 doanh nghiệp liên quan đến việc rút lại 50 tỉ đồng. Thực hiện hợp đồng, các doanh nghiệp cùng BTL Cảnh sát biển đã nghiệm thu, bàn giao vật tư, thiết bị về kho tổng hợp; đồng thời chuyển tiền thanh toán dứt điểm.
Tiếp đó, từ đầu tháng 12.2019 - đầu tháng 1.2020, các nhà thầu lần lượt chuyển lại trực tiếp bằng tiền mặt cho 6 trưởng phòng. Tiền sau đó được nộp cho ông Hưng để chuyển cho ông Sơn. Đáng chú ý, việc giao, nhận tiền của các cá nhân được thực hiện ngay tại phòng làm việc của ông Hưng và ông Sơn.
Nhận 50 tỉ đồng từ ông Hưng, ông Sơn chia cho mình cùng 4 Thủ trưởng BTL Cảnh sát biển, gồm các ông: Đồng, Hậu, Quyết và Dũng, mỗi người 10 tỉ đồng.
Viện Kiểm sát Quân sự T.Ư nhận định đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Các bị can đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để cùng tham ô số tiền 50 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước chi cho quốc phòng.
Trong đó, cựu trung tướng Nguyễn Văn Sơn là người chủ động trao đổi, thống nhất với các Thủ trưởng BTL Cảnh sát biển về việc "rút ruột" ngân sách, nên phải chịu trách nhiệm chính với vai trò chủ mưu, khởi xướng. Các bị can Đồng, Hậu, Quyết, Dũng là người cùng chủ mưu, chịu trách nhiệm sau bị can Sơn. 2 bị can Hưng và Hòe là cấp dưới, có mối quan hệ lệ thuộc, không được hưởng lợi ích vật chất nên chịu trách nhiệm với vai trò thực hành, giúp sức.
Cả 7 bị can từng được ghi nhận có nhiều thành tích trong quá trình công tác, được tặng thưởng nhiều huân, huy chương, bằng khen, giấy khen, gia đình có công với cách mạng. Trong đó, cựu Tư lệnh Nguyễn Văn Sơn được tặng thưởng Huân chương Quân kỳ quyết thắng, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, nhì, ba…
Về phía 6 trưởng phòng thuộc Cục Kỹ thuật, Viện Kiểm sát Quân sự T.Ư xác định các quân nhân này thực hiện chia nhỏ một số gói thầu để không phải báo cáo Bộ Quốc phòng, thống nhất với các nhà thầu để nâng giá vật tư, thiết bị, đồng thời đề nghị nhà thầu chuyển lại tiền nhằm tạo nguồn quỹ cho BTL Cảnh sát biển. Hành vi trên có dấu hiệu đồng phạm về tội tham ô tài sản. Tuy nhiên, các cán bộ đều vi phạm lần đầu, có mối quan hệ lệ thuộc, thực hiện theo mệnh lệnh của cấp trên, không có động cơ vụ lợi, không nhận tiền hoặc lợi ích vật chất khác, cũng không biết số tiền 50 tỉ đồng bị cấp trên chia nhau… nên không xem xét xử lý hình sự.
Tương tự, các doanh nghiệp tham gia thầu cũng khai được các trưởng phòng nhờ nên mới nâng giá vật tư, thiết bị rồi chuyển lại tiền, không biết số tiền này sau đó bị tham ô, nên không bị xem xét xử lý.
Nghe nhanh 6h ngày 3.2: Cái giá cho sự kỳ thị du khách | HAGL - VPF “chung sống hạnh phúc”
Tháng 6.2020, cựu thiếu tướng Phan Kim Hậu, cựu Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng BTL Cảnh sát biển, làm đơn gửi cơ quan chức năng, kèm theo 2 file ghi âm phản ánh về tiêu cực, tham nhũng của bản thân và một số thủ trưởng BTL Cảnh sát biển liên quan đến công tác mua sắm vật tư, thiết bị năm 2019.
Từ đó, các đoàn kiểm tra của Bộ Quốc phòng, Ủy ban Kiểm tra Quân ủy T.Ư và Ủy ban Kiểm tra T.Ư vào cuộc xác minh. Tháng 9.2021, trong quá trình làm việc với đoàn kiểm tra, các cán bộ báo cáo sai phạm, tự nguyện nộp lại mỗi người 10 tỉ đồng để khắc phục hậu quả.
Bình luận (0)