Xem nhanh 20h ngày 2.2: Cựu tướng cảnh sát biển tham ô 50 tỉ | Vụ Nguyễn Phương Hằng lại trả hồ sơ

Xem nhanh 20h ngày 2.2: Cựu tướng cảnh sát biển tham ô 50 tỉ | Vụ Nguyễn Phương Hằng lại trả hồ sơ

02/02/2023 19:58 GMT+7

“Xem nhanh 20h” ngày 2.2 trên Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên có nhiều tin tức đáng chú ý về vụ Nguyễn Phương Hằng, vụ tham ô 50 tỉ đồng ở Bộ tư lệnh Cảnh sát biển, vụ Tina Dương, ChatGPT...


Bản tin "Xem nhanh 20h" ngày 2.2 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:

Tình tiết bất ngờ vụ 5 cựu tướng lĩnh Cảnh sát biển tham ô 50 tỉ đồng

Viện kiểm sát Quân sự T.Ư vừa ban hành cáo trạng vụ tham ô tài sản xảy ra tại Bộ tư lệnh (BTL) Cảnh sát biển. Vụ án được đánh giá có tính chất đặc biệt nghiêm trọng.

7 bị can cùng bị truy tố tội danh trên, với khung hình phạt cao nhất đến tử hình, gồm: Nguyễn Văn Sơn (cựu trung tướng, cựu Tư lệnh BTL Cảnh sát biển), Hoàng Văn Đồng (cựu trung tướng, cựu Chính ủy BTL Cảnh sát biển), Doãn Bảo Quyết (cựu thiếu tướng, cựu Phó chính ủy kiêm Chủ nhiệm chính trị BTL Cảnh sát biển).

Ngoài ra còn có Phan Kim Hậu (cựu thiếu tướng, cựu Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng), Bùi Trung Dũng (cựu thiếu tướng, cựu Phó tư lệnh), Nguyễn Văn Hưng (cựu đại tá, cựu Cục trưởng Cục Kỹ thuật) và Bùi Văn Hòe (cựu thượng tá, cựu Phó trưởng phòng Tài chính).

Tình tiết bất ngờ vụ 5 cựu tướng lĩnh Cảnh sát biển tham ô 50 tỉ đồng

Theo cáo trạng, trong vụ án này, cựu trung tướng Nguyễn Văn Sơn bị cáo buộc chịu trách nhiệm chính, có vai trò chủ mưu, khởi xướng khi đã yêu cầu Cục trưởng Cục Kỹ thuật là bị can Nguyễn Văn Hưng khi mua sắm vật tư, thiết bị phải rút ra 50 tỉ đồng để chuyển lại cho Bộ tư lệnh Cảnh sát biển.

Tháng 6.2020, cựu thiếu tướng Phan Kim Hậu làm đơn gửi cơ quan chức năng, kèm theo 2 file ghi âm phản ánh về tiêu cực, tham nhũng của bản thân và một số Thủ trưởng Bộ tư lệnh Cảnh sát biển liên quan đến công tác mua sắm vật tư, thiết bị năm 2019.

Từ đó, các đoàn kiểm tra của Bộ Quốc phòng, Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc xác minh. Tháng 9.2021, trong quá trình làm việc với đoàn kiểm tra, các bị can trong vụ án này đã báo cáo sai phạm, tự nguyện nộp lại mỗi người 10 tỉ đồng để khắc phục hậu quả.

Cáo trạng xác định, ngoài bị can chủ mưu là Nguyễn Văn Sơn thì các bị can Đồng, Hậu, Quyết, Dũng là người cùng chủ mưu, chịu trách nhiệm sau bị can Sơn. 2 bị can Hưng và Hòe là cấp dưới, có mối quan hệ lệ thuộc, không được hưởng lợi ích vật chất, chịu trách nhiệm với vai trò thực hành, giúp sức.

Xem nhanh 20h ngày 2.2: Cựu tướng cảnh sát biển tham ô 50 tỉ | Vụ Nguyễn Phương Hằng lại trả hồ sơ

Vụ án Nguyễn Phương Hằng lại trả hồ sơ

Chiều 2.2, nguồn tin PV Thanh Niên xác nhận Viện KSND TP.HCM đã ra Quyết định trả hồ sơ, đề nghị điều tra bổ sung vụ án "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" do Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm thực hiện. 

Viện KSND TP.HCM đề nghị Cơ quan điều tra nêu rõ kết luận về việc giám định nội dung phát ngôn của ông Đặng Anh Quân có một số thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm cá nhân.

Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị Viện kiểm sát truy tố 4 bị can về tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo Điều 331 bộ luật Hình sự 2015.

Vụ án Nguyễn Phương Hằng: VKS tiếp tục đề nghị điều tra bổ sung vai trò cố vấn pháp lý Đặng Anh Quân

Cơ quan điều tra xác định, với vai trò "cố vấn pháp lý" cho bị can Nguyễn Phương Hằng, ông Đặng Anh Quân (tiến sĩ luật, giảng viên) tham gia livestream cùng bị can Nguyễn Phương Hằng 11 buổi từ tháng 10.2021 - 3.2022, trong đó có một số nội dung chưa đủ cơ sở xử lý hình sự, nên Cơ quan điều tra không khởi tố ông Quân. Tuy nhiên vẫn có một số nội dung đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm cá nhân.

Cụ thể, về kết luận giám định nội dung phát ngôn của ông Đặng Anh Quân, ngày 12.1, Sở TT-TT TP.HCM ban hành Kết luận giám định nội dung theo trưng cầu tại quyết định của Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM.

Theo đó, tài liệu gồm 23 trang tại Kết luận giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP.HCM kèm theo Quyết định trưng cầu giám định, được xác định có nội dung đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân, vi phạm điểm d, khoản 1, Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.

Đối với tài liệu gồm 38 trang được dịch thành văn bản từ phát ngôn của tiến sĩ luật Đặng Anh Quân và luật sư Nguyễn Đình Kim, căn cứ Kết luận giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP.HCM xác định, chưa đủ cơ sở để khẳng định có những nội dung xuyên tạc, vu khống, xúc phạm nghiêm trọng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; nội dung thuộc bí mật cá nhân, bí mật của gia đình và đời sống riêng tư theo quy định của luật An ninh mạng; luật Báo chí; luật Xuất bản và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Đề nghị truy tố 'Tina Dương' Ninh Thị Vân Anh

Bị can Ninh Thị Vân Anh, hay còn nổi tiếng trên mạng với tên gọi khác là Tina Dương bị cơ quan CSĐT Công an Bình Thuận kết luận có hành vi "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" và "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức". Tội danh và hình phạt được quy định tại Khoản 4 Điều 175 và điểm c, Khoản 3, điều 341 Bộ luật hình sự.

Đề nghị truy tố 'Tina Dương' Ninh Thị Vân Anh hai tội danh

Theo kết luận điều tra, ngày 24.1.2022, Ninh Thị Vân Anh gọi điện thoại đến một công ty (trụ sở tại quận Tân Bình, TP.HCM) để thuê ô tô và yêu cầu công ty chạy xe ra giao tại thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận).

Sau khi thỏa thuận xong, công ty cử người đưa xe ô tô từ TP.HCM đến thành phố Phan Thiết để làm hợp đồng thuê xe với thời hạn là 3 tháng (kể từ ngày 24.1.2022), đồng thời giao xe và các giấy tờ liên quan cho Ninh Thị Vân Anh. Bị can trả tiền thuê xe tháng đầu tiên và chi phí giao xe cho công ty với tổng số tiền là 50 triệu đồng.

Đến ngày hết hợp đồng thuê xe, nhân viên công ty đã nhiều lần liên lạc để yêu cầu trả xe nhưng Ninh Thị Vân Anh cố tình trốn tránh và cũng không trả tiền thuê xe hai tháng còn lại.

Công an Bình Thuận kết luận điều tra vụ án "Tina Dương" lạm dụng tín nhiệm - Ảnh 2.

Chiếc xe ô tô tang vật được đưa từ Ninh Bình về Bình Thuận phục vụ điều tra

Q.H

Đến tháng 5.2022, bị can Ninh Thị Vân Anh lái xe này ra thành phố Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình) và rủ một người bạn mở cửa hàng bán trái cây. Cùng thời điểm này, Ninh Thị Vân Anh có mua trả góp hai sim điện thoại số đẹp của một người ở thành phố Hải Dương (tỉnh Hải Dương) với giá 500 triệu đồng nhưng chưa có tiền trả.

Để có tiền đầu tư cửa hàng bán trái cây và trả góp sim điện thoại, Ninh Thị Vân Anh bán xe ô tô cho một người đàn ông (trú quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) với giá 450 triệu đồng. Sau khi làm hợp đồng mua bán, người đàn ông này đã chuyển cho Ninh Thị Vân Anh tổng số tiền 390 triệu đồng.

Sau đó, Ninh Thị Vân Anh về TP.HCM, lên mạng xã hội đặt làm giả một giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô biển số chiếc xe thuê với giá 5 triệu đồng, rồi đem ra Ninh Bình giao cho người đàn ông để tạo lòng tin. Vân Anh còn nói dối là chờ anh họ đi công tác về sẽ làm thủ tục sang tên đổi chủ.

Đến tháng 7.2022, do thiếu nợ nhiều người nên bị can Ninh Thị Vân Anh đã bỏ đi khỏi thành phố Ninh Bình và sau đó đến thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) sinh sống.

Sau khi nhận đơn thư tố giác của công dân, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Bình Thuận khởi tố vụ án và bắt tạm giam bị can Ninh Thị Vân Anh vào ngày 13.10.2022 để điều tra về tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Bình Thuận tiếp tục quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can bổ sung đối với Vân Anh về tội "sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức".

"Xem nhanh 20h" của Báo Thanh Niên sẽ quay trở lại vào lúc 20 giờ tối mai 3.2 với những thông tin trong nước và quốc tế nóng hổi khác tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.