5 tác động của căng thẳng khiến cơ thể dễ mắc bệnh tim

Ngọc Quý
Ngọc Quý
29/09/2024 00:08 GMT+7

Căng thẳng kích hoạt cơ thể giải phóng các hoóc môn như adrenaline và cortisol, khiến mạch máu co lại và tim đập nhanh hơn, làm tăng huyết áp tạm thời. Tuy nhiên, khi căng thẳng trở thành mạn tính, nó có thể dẫn đến huyết áp cao dai dẳng và gây thêm áp lực cho hệ tim mạch.

Căng thẳng là phản ứng tự nhiên xảy ra khi cơ thể trải qua những thay đổi hoặc thử thách nào đó trong cuộc sống. Tim đập nhanh hơn, huyết áp tăng cao ngay lúc đó sẽ giúp chúng ta tỉnh táo, tăng khả năng phản ứng với nguy hiểm. Lúc này, căng thẳng là phản ứng tự nhiên của cơ thể và có lợi, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

5 tác động của căng thẳng khiến cơ thể dễ mắc bệnh tim- Ảnh 1.

Căng thẳng mạn tính khiến huyết áp tăng cao thường xuyên, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch

ẢNH: PEXELS

Tuy nhiên, căng thẳng mạn tính lại khiến huyết áp thường xuyên duy trì ở mức cao. Tình trạng ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể, trong đó có cả tim.

Khi căng thẳng xảy ra, cơ thể sẽ xuất hiện những phản ứng sau:

Tăng nồng độ cortisol

Căng thẳng kích thích cơ thể giải phóng hoóc môn căng thẳng cortisol, khiến huyết áp tăng. Cortisol trong cơ thể ở mức cao thời gian dài sẽ khiến huyết áp thường xuyên duy trì ở mức cao, góp phần gây huyết áp cao.

Kích hoạt hệ thần kinh giao cảm

Căng thẳng sẽ kích hoạt hệ thần kinh giao cảm, làm tăng nhịp tim và co thắt mạch máu. Tình trạng này xảy ra nhiều lần sẽ gây áp lực cho hệ tim mạch.

Rối loạn chức năng nội mô

Căng thẳng làm rối loạn chức năng ở nội mạc, tức lớp lót bên trong của thành mạch máu, dẫn đến giảm sản xuất oxit nitric. Hệ quả là làm giảm khả năng giãn mạch máu. Mạch máu hẹp hơn sẽ làm tăng huyết áp và nguy cơ mắc bệnh tim.

Viêm nhiễm

Căng thẳng mạn tính sẽ dẫn đến viêm nhiễm trong mạch máu. Tình trạng này gây xơ vữa động mạch, tức sự tích tụ các mảng bám trong thành động mạch. Các mảng bám này làm hẹp mạch máu, từ đó khiến máu khó lưu thông và dễ gây bệnh tim.

Tăng đường huyết

Căng thẳng kích thích giải phóng đường glucose vào máu, giúp cung cấp nhanh chóng nguồn năng lượng cho cơ thể để đối phó với mối đe dọa trước mắt. Căng thẳng mạn tính sẽ khiến đường huyết trong máu duy trì liên tục ở mức cao, dẫn đến tình trạng kháng insulin. Đây là yếu tố dẫn đến bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch, theo Healthline.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.