5 thảm họa quân sự của Mỹ

02/11/2014 08:30 GMT+7

5 sai lầm quân sự chiến lược của Mỹ khiến nước này chịu tổn thất lớn về xương máu, tiền bạc, thời gian và để lại hậu quả đến tận ngày nay.

Hồi cuối tháng rồi, nhà phân tích Robert Farley tại Đại học Kentucky (Mỹ) có bài phân tích quân sự đăng trên chuyên san The National Interest, thu hút nhiều độc giả bình luận. Theo đó, ông Farley phân tích 5 sai lầm chiến lược lớn nhất trong lịch sử quân sự Mỹ kể từ khi nước này lần đầu tiên tuyên bố chiến tranh với quốc gia khác vào năm 1812 cho đến cuộc chiến Iraq (2003 - 2011).

Những thảm họa quân sự của Mỹ
Lục quân Iraq hiện nay không đủ khả năng chống lại IS - Ảnh: Reuters 

1. Xâm lược Canada

Chiến tranh Anh - Mỹ (18.6.1812 - 18.2.1815) là cuộc chiến đầu tiên của Mỹ với một quốc gia khác kể từ khi nước này được thành lập năm 1776. Thảm bại đầu tiên của quân đội Mỹ diễn ra trong đợt tấn công các vùng thuộc địa Thượng và Hạ Canada của Anh ở Bắc Mỹ (nay là một phần của Canada).

Vào ngày 12.7.1812, tướng William Hull dẫn một lực lượng Mỹ gồm khoảng 1.000 quân không được huấn luyện đầy đủ vượt sông Detroit, chiếm thị trấn Sandwich (nay là khu Windsor thuộc vùng Ontario, Canada).

Tuy nhiên, đến tháng 8 đoàn quân của tướng Hull buộc phải đầu hàng trước lực lượng do tướng Anh Isaac Brock chỉ huy tại làng Detroit. Vụ đầu hàng này khiến Mỹ mất quyền kiểm soát không chỉ đối với Detroit mà cả vùng lãnh thổ Michigan (bang Michigan ngày nay, được Mỹ tái chiếm vào năm 1813).

Chuyên gia Farley chỉ ra nguyên nhân thất bại là do Mỹ đánh giá cao sự ủng hộ của người Canada bất mãn với tình trạng bị Anh đô hộ, quá đề cao các khả năng của mình, nhưng lại đánh giá thấp sức mạnh của Anh. Ông  Farley nhận định các lực lượng Mỹ khi đó không có kinh nghiệm trong việc chiến đấu với một quân đội chuyên nghiệp của Anh và thiếu sự hỗ trợ hậu cần. Cũng theo ông Farley, quân đội Mỹ thảm bại còn do họ không có kế hoạch ứng phó tốt trong tình huống bị quân Anh đánh lại.

2. Trận chiến Antietam

Hơn 46 năm sau khi chiến tranh 1812 kết thúc, Mỹ lại rơi vào nội chiến giữa chính phủ liên bang miền bắc và các tiểu bang ly khai miền nam, kéo dài từ năm 1861 - 1865. Nội chiến bắt đầu từ việc 11 tiểu bang theo chế độ nô lệ ở miền nam tuyên bố ly khai, lập thành Liên minh miền nam nhằm phản đối việc Tổng thống Abraham Lincoln tuyên bố không thể chấp nhận một xã hội có nô lệ.

Tranh mô tả trận chiến Antietam - Nguồn: Kurz & Allison

Lúc đầu, các trận chiến xảy ra ở miền nam, nhưng đến ngày 4.9.1862, tướng Robert E.Lee chỉ huy quân đoàn Bắc Virginia của Liên minh miền nam tấn công lên miền bắc trong chiến dịch Maryland. Tuy nhiên, chiến dịch này bị tướng George B.McClellan cùng binh đoàn hùng hậu của chính phủ liên bang miền bắc chặn đứng trong trận chiến diễn ra ở rạch Antietam thuộc Maryland ngày 17.9.1862.

Đây là trận chiến một ngày đẫm máu nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, với tổng thương vong của hai bên lên tới gần 23.000 người. Chuyên gia Farley cho rằng trận chiến Antietam không phải là một thất bại hoàn toàn đối với quân miền bắc, với lập luận quân đoàn Bắc Virginia bị tổn hại và tướng McClellan đã buộc tướng Lee rút khỏi Maryland.

Ngoài ra, sau trận chiến đó, Tổng thống Lincoln đủ tự tin để ra tuyên bố với cam kết thả nô lệ ở các tiểu bang nổi dậy và khiến Anh, Pháp không còn ý định can thiệp vào nội chiến. Tuy nhiên, Farley cũng cho rằng quân miền bắc đã bỏ lỡ cơ hội tốt nhất từ trận chiến Antietam để tiêu diệt quân đoàn Bắc Virginia, khiến quân đoàn này không còn là một lực lượng chủ chốt của quân miền nam cho đến khi Liên minh miền nam đầu hàng vào năm 1865.

3. Chiến dịch Drumbeat

Ngoài 2 trận chiến trên, chuyên gia Farley còn đánh giá vụ quân đội Mỹ thất thủ trước cuộc tấn công tàu ngầm của Đức trong Thế chiến 2 là thảm họa lớn trong lịch sử quân sự của nước này.

 

Đức đã đánh đắm 609 tàu của Mỹ trong chiến Drumbeat - Ảnh: War History 

Cụ thể, sau khi tuyên bố chiến tranh với Mỹ vào cuối năm 1941, quân đội Đức tiến hành chiến dịch Drumbeat nhằm tấn công các tàu Mỹ. Trong 6 tháng đầu năm 1942, Đô đốc Karl Doenitz chỉ huy đội tàu ngầm tới phục kích ở vùng biển phía đông Bắc Mỹ.

Kết quả là đội tàu ngầm của Đức đã đánh đắm 609 tàu, khiến hàng ngàn người thiệt mạng, trong khi họ chỉ mất 22 tàu ngầm. Ông Farley cho rằng Đức đại thắng trong chiến dịch bởi không quân, hải quân và cả giới chức Bộ Quốc phòng Mỹ đều không chuẩn bị tốt cho việc phòng thủ tàu ngầm.

Trong một cuốn sách về cuộc tấn công trên, sử gia Mỹ Michael Gannon cho rằng Mỹ không thể phản ứng nhanh là do Đô đốc Mỹ Ernest J.King không chịu hành động. Đại thắng của Đức khiến Anh lo lắng đến mức đã nhanh chóng điều cố vấn đến hỗ trợ Mỹ phát triển học thuyết chống tàu ngầm.

Nhà phân tích Farley cho rằng tác chiến chống tàu ngầm rất phức tạp, trong khi Mỹ chưa bao giờ làm việc một cách nghiêm túc về vấn đề này trước Thế chiến 2 và cũng không màng học hỏi kinh nghiệm từ Anh. Kể từ thất bại cay đắng này, hải quân Mỹ đã nhanh chóng trang bị khả năng chống tàu ngầm hiệu quả và từng triển khai một đội tàu ngầm làm suy yếu nghiêm trọng hải quân của đế quốc Nhật trong Thế chiến 2.

4. Tấn công Triều Tiên

Một thảm bại khác trong lịch sử quân đội Mỹ, theo chuyên gia Farley, là khi lực lượng Mỹ tấn công sâu vào CHDCND Triều Tiên trong Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953).

Lính Hàn Quốc trong Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953) - Ảnh: War History

Cụ thể, sau khi bảo vệ thành công thành phố Pusan cùng với chiến thắng trên các bãi biển ở khu vực Inchon và giải phóng Seoul, lục quân và quân đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ, với sự hỗ trợ của các lực lượng Hàn Quốc, vượt biên giới, tấn công sâu vào Triều Tiên vào đầu tháng 10.1950 nhằm lật đổ chính quyền Bình Nhưỡng và giành quyền kiểm soát toàn bộ bán đảo Triều Tiên.

Trong lúc các lực lượng Mỹ tiến đến biên giới Triều Tiên - Trung Quốc, quân đội Trung Quốc bí mật vượt sông Áp Lục kéo đến tập hợp ở vùng núi của Triều Tiên. Đến ngày 25.10, quân Trung Quốc bất ngờ tấn công lực lượng Hàn Quốc ở Triều Tiên và đến ngày 1.11 có cuộc chạm trán đầu tiên với quân đội Mỹ.

Từ đó đến ngày 1.12, quân Trung Quốc đã nhiều lần phục kích tấn công lực lượng Mỹ, gây thương vong lớn cho cả hai bên và buộc quân Mỹ phải rút lui, theo cuốn The Korean War: The Chinese Intervention (tạm dịch: Chiến tranh Triều Tiên: Sự can thiệp của Trung Quốc) của sử gia quân sự Mỹ John S.Brown. Chuyên gia Farley cho rằng việc giới tình báo Mỹ không hiểu rõ ý đồ cũng như các khả năng của Trung Quốc là một trong những nguyên nhân dẫn đến thảm bại.

5. Giải tán lục quân Iraq

Theo chuyên gia Farley, việc Toàn quyền Mỹ Paul Bremer ngày 23.5.2003 ban hành lệnh giải tán lục quân Iraq là sai lầm chiến lược vẫn còn di họa đến tận ngày nay. Động thái đó đã khiến khoảng 400.000 sĩ quan, binh sĩ Iraq thất nghiệp và dẫn đến việc hình thành các nhóm vũ trang chuyên gây bất ổn ở nước này. Thậm chí có một số sĩ quan gia nhập tổ chức khủng bố.

Lính Iraq hiện nay bị cho không đủ khả năng chống lại IS - Ảnh: Reuters 

Theo tờ The New York Times, một số sĩ quan lục quân Iraq sau này đã trở thành các nhân vật chóp bu trong tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) hiện hoành hành tại Iraq và Syria. Tờ báo Mỹ khẳng định chính các kỹ năng quân sự kết hợp với phương thức khủng bố đã giúp IS gặt hái nhiều thành công.

Sau khi giải tán lục quân Iraq một thời gian, Mỹ được cho là đã xây dựng lại lực lượng này. Tuy nhiên, nhà phân tích Farley đánh giá rằng lục quân Iraq thường không thể hoàn thành phần cơ bản nhất của các nhiệm vụ quân sự nếu không có sự hỗ trợ trực tiếp từ quân đội Mỹ  và việc chống lại các tay súng IS được trang bị vũ khí hạng nhẹ của lực lượng này chỉ làm trò cười trong khu vực.

 Văn Khoa

>> Trực thăng quân sự của Mỹ rơi ở Nhật
>> Trực thăng quân sự của Mỹ rơi sát biên giới Triều Tiên
>> Đại sứ Mỹ nói về sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Á
>> Trung Quốc phản đối báo cáo quân sự của Mỹ
>> Bí mật quân sự của Mỹ được bán với giá... 40USD
>> Nóng bỏng kế hoạch viện trợ quân sự của Mỹ 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.