5 tuyến đường trên cao ở TP.HCM vẫn chưa rõ khi nào khởi công

11/07/2023 16:10 GMT+7

TP.HCM quy hoạch 5 đường trên cao, với tổng chiều dài gần 71 km, nhưng hiện chưa có tuyến nào được đầu tư.

Tại phiên chất vấn Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm, kỳ họp HĐND TP.HCM khóa ngày 11.7, đại biểu Trần Hoàng Danh đặt câu hỏi về tính cấp bách xây dựng các tuyến đường trên cao với bối cảnh giao thông hiện nay.

"Một trong số đó, tuyến trên cao số 5 (nút giao Trạm 2 - ngã tư An Sương) được đề xuất triển khai trước đến nay vẫn chưa thực hiện, vì sao, và tiến độ cụ thể", đại biểu Danh hỏi.

Trả lời, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm thông tin rằng TP.HCM được quy hoạch 5 tuyến đường trên cao dài 71 km, tổng mức đầu tư hơn 89.000 tỉ đồng. Quá trình triển khai, thành phố đã nghiên cứu kêu gọi đầu tư, tuy nhiên vốn rất cao, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng rất lớn.

5 tuyến đường trên cao TP.HCM vẫn chưa rõ khi nào khởi công - Ảnh 1.

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm phát biểu tại phiên chất vấn

THÀNH NHÂN

Riêng mức đầu tư của tuyến đường trên cao số 5 ở giai đoạn 1 hơn 15.400 tỉ đồng được đề xuất làm theo hình thức PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công tư), dự tính thực hiện từ nay đến năm 2025.

Metro số 1 sẽ hoàn thành trong năm 2023, cầu Cần Giờ khởi công năm 2025

Trả lời câu hỏi "có triển khai đầu tư hay không?", ông Lâm cho biết trên cơ sở các quy hoạch, phải rà soát lại mức độ ưu tiên, khả năng cân đối với các dự án khác trên địa bàn thế nào mới có thể đề xuất thời điểm đầu tư, thực hiện.

Theo đó, TP.HCM xác định ưu tiên những dự án trong giai đoạn phát triển như Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.

"Do đó, song song những dự án lớn này, TP.HCM sẽ nghiên cứu tìm nguồn lực khai thác phù hợp. Có thể không đầu tư giai đoạn này thì giai đoạn sau", ông Lâm thông tin.

5 tuyến đường trên cao TP.HCM vẫn chưa rõ khi nào khởi công - Ảnh 2.

Đường trên cao là yêu cầu hạ tầng cơ bản, quan trọng để giúp giao thông thành phố thông suốt

ĐẬU TIẾN ĐẠT

Trước đó, Sở GTVT TP.HCM đề xuất sớm đầu tư tuyến số 1 (từ nút giao Lăng Cha Cả, Q.Tân Bình đến đường Ngô Tất Tố, Q.Bình Thạnh). Tuyến này dài 9,5 km, 4 làn xe với vốn đầu tư khoảng 17.500 tỉ đồng.

Tuyến 5 dài 34 km, điểm đầu từ nút giao Trạm 2 trên Xa lộ Hà Nội đến nút giao An Lạc (Q.Bình Tân). Dự án từng được nghiên cứu đầu tư nhưng chưa triển khai. Trong đó, đoạn nút giao Trạm 2 - An Sương đề xuất ưu tiên đầu tư từ nay đến năm 2025; đoạn còn lại (An Sương - An Lạc, dài khoảng 12,5 km) triển khai giai đoạn 2025 - 2030.

Các tuyến đường trên cao khác còn lại gồm số 2, dài gần 12 km, điểm đầu giao tuyến số 1 tại nút giao Lăng Cha Cả, điểm cuối tại quốc lộ 1 (H.Bình Chánh); tuyến số 3 dài 8 km, điểm đầu giao tuyến số 2 tại đường Thành Thái (Q.10), điểm cuối giao đường Nguyễn Văn Linh (Q.7); tuyến số 4 dài 7,3 km, điểm đầu giao tuyến số 5 trên quốc lộ 1, điểm cuối giao tuyến số 1 ở đường Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh).

Khách du lịch đến TP.HCM chi tiêu 70% số tiền vào ban đêm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.