Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 tổ chức chiều 2.10, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, diễn biến của tín dụng trong tháng 9 vừa qua cho thấy dấu hiệu tích cực trong vấn đề tiếp cận vốn của doanh nghiệp, từ đó cho thấy diễn biến khả quan của nền kinh tế. Cụ thể, tính đến cuối tháng 8, tăng trưởng tín dụng mới đạt khoảng 4,75%, nhưng đến hết tháng 9 đã đạt khoảng 6,1%. Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết, tăng trưởng tín dụng cả năm 2020 có thể đạt khoảng 8 - 10%, trong đó mức trên 9% là khả thi. Ngân hàng Nhà nước cam kết sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn của nền kinh tế, sẽ tạo thanh khoản thuận lợi nhất để các ngân hàng thương mại có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng; tiếp tục xem xét điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng mở rộng cấp tín dụng cho người dân, doanh nghiệp nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Với mức tăng trưởng tín dụng 6,1%, ước tính khoảng 500.000 tỉ đồng đã được các ngân hàng bơm thêm vào nền kinh tế trong 9 tháng năm 2020, đưa tổng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống lên gần 8,7 triệu tỉ đồng. Mặc dù phục hồi khá trở lại nhưng hoạt động cho vay của ngân hàng đã chậm hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng 9,4% của cùng kỳ năm 2019.
Còn theo Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 22.9, tổng phương tiện thanh toán tăng 7,74% so với cuối năm 2019 (cùng thời điểm năm 2019 tăng 8,41%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 7,7% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 8,79%)...
Cuối tháng 9, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ban hành các quyết định giảm lãi suất đều hành và lãi suất tối đa đối với tiền gửi tiết kiệm cho kỳ hạn dưới 6 tháng từ 4,25%/năm xuống 4%/năm. Hiện lãi suất huy động tiền gửi của khách hàng cá nhân ở nhiều ngân hàng thương mại cho kỳ hạn dưới 6 tháng đã giảm mạnh từ 0,1 – 0,3%/năm, dao động từ 3,6 – 4%/năm.
|
Bình luận (0)