|
Trong các ngày 12 và 13.11, giới chức quản lý tiền tệ - tài chính Anh, Mỹ và Thụy Sĩ đã ra nhiều án phạt nặng, tổng cộng khoảng 4,3 tỉ USD, đối với 6 “đại gia” tài chính thế giới vì hành vi “phù phép” tỷ giá hối đoái trên thị trường tài chính. Theo AFP, những ngân hàng bị phạt gồm 2 ngân hàng của Anh là HSBC và Royal Bank of Scotland; 3 ngân hàng Mỹ JPMorgan Chase, Citibank, Bank of America cùng Ngân hàng UBS của Thụy Sĩ.
Cụ thể, Ủy ban Giao dịch hàng hóa giao sau của Mỹ phạt HSBC, Royal Bank of Scotland, JPMorgan Chase, Citibank và UBS tổng cộng 1,48 tỉ USD còn mức phạt của Cơ quan Giám sát tài chính Anh (FCA) là 1,77 tỉ USD. Riêng Ngân hàng UBS còn phải đóng cho Cơ quan Giám sát thị trường tài chính Thụy Sĩ (FINMA) 139 triệu USD. Đến hôm qua, Văn phòng Giám sát tiền tệ Mỹ cũng phạt thêm 950 triệu USD đối với JPMorgan Chase, Citibank và Bank of America.
Ngày 13.11, BBC dẫn lời lãnh đạo FCA Martin Wheatley cảnh báo: “Chuyện này chưa dừng lại đâu. Đây là mức phạt dành cho các tổ chức còn cá nhân vi phạm sẽ tiếp tục bị truy cứu trách nhiệm”. Một loạt chuyên viên giao dịch cấp cao đã bị đình chỉ công tác trong khi giới hữu trách khẩn trương chuẩn bị các cáo buộc hình sự nhằm vào nhiều người trong ban lãnh đạo các ngân hàng nói trên.
Đây là kết quả của một cuộc điều tra phạm vi toàn cầu kéo dài 13 tháng do giới chức Mỹ, châu Âu và một số nước khác phối hợp tiến hành. Các “ông lớn” nói trên bị phát hiện tập trung thao túng tỷ giá euro - USD, mở rộng sang cả bảng Anh và AUD trong giai đoạn từ tháng 1.2008 - 10.2013. Theo BBC, giá trị giao dịch tại thị trường hối đoái toàn cầu lên tới 5.300 tỉ USD mỗi ngày và ảnh hưởng rất lớn đến xuất nhập khẩu, lợi nhuận của các công ty và nguồn đầu tư trên khắp thế giới.
|
“Giỏi lắm các chiến hữu”
AFP dẫn thông cáo của FCA tiết lộ nhiều chuyên viên giao dịch cấp cao của các ngân hàng lớn thành lập các hội kín để thông đồng lũng đoạn tỷ giá hối đoái. Sau khi được chấp nhận cho nhập hội, thành viên mới sẽ nhận mật khẩu để truy cập các phòng chat trực tuyến riêng trên internet, có thể thoải mái chia sẻ thông tin với đồng bọn. Họ sử dụng những mật danh như “3 chàng lính ngự lâm”, “biệt đội A”… và bắt tay cùng đặt lệnh mua hoặc bán hàng loạt để đẩy giá lên hay hạ giá xuống theo ý mình. Các điều tra viên tại Anh và Mỹ đã mất nhiều tháng mới có thể xâm nhập các phòng chat này để nắm được bằng chứng vi phạm.
Hiện nay, thị trường ngoại hối thường sử dụng chỉ số tỷ giá ngoại tệ cố định do Ngân hàng Trung ương châu Âu đưa ra vào 13 giờ 15 hằng ngày (giờ địa phương), tạm gọi là chỉ số fix, để làm chuẩn. Chỉ số này được đưa ra dựa trên chuyển động của thị trường và tỷ giá từ trưa cho đến thời điểm nói trên. FCA chỉ ra một trường hợp cụ thể khi các khách hàng đặt mua 200 triệu euro theo chỉ số fix euro - USD từ Ngân hàng Citibank. Chỉ trong vòng 15 giây đến 1 phút trước khi chỉ số fix của ngày hôm đó được công bố, chuyên viên của Citibank “đi đêm” với đồng bọn ở các ngân hàng khác ồ ạt đặt mua euro với khối lượng và giá trị khổng lồ để đẩy chỉ số fix tăng vọt và cuối cùng kiếm lời 99.000 USD. Sau khi mang về cho JP Morgan Chase 33.000 USD bằng thủ đoạn tương tự, cả bọn tự khen nhau là “Chúng ta dắt mũi đồng đô la như bỡn”. Trong một vụ khác, HSBC kiếm được 162.000 USD và một chuyên viên giao dịch hét lên trong phòng chat: “Giỏi lắm các chiến hữu… Tớ xin bái phục”, theo AFP.
Đến hôm qua, nhiều ngân hàng, công ty tài chính trên thế giới đã hạn chế hoặc cấm nhân viên sử dụng phòng chat trực tuyến riêng. Các ngân hàng bị “sờ gáy” cũng công bố nhiều án kỷ luật đối với những cá nhân liên quan đến vụ việc. Tuy nhiên, AFP dẫn lời các nhận định việc quản lý đã bị lơ là trong thời gian dài và “văn hóa thao túng” sẽ không dễ thay đổi trong một sớm một chiều.
Danh Toại
>> 5 ngân hàng Anh, Mỹ, Thụy Sĩ bị phạt hơn 3 tỉ USD
>> 5 ngân hàng lớn bị kiện vì giúp khủng bố ở Iran
Bình luận (0)