Mụn thường phát triển ở độ tuổi từ 12 đến 25, khi các tuyến dầu hoạt động mạnh nhất, nhưng chúng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.
Chăm sóc da tốt để ngăn ngừa mụn hiệu quả - Ảnh minh họa: Shutterstock |
Trong khi hoóc môn được xem là đóng vai trò lớn gây ra việc nổi mụn thì một số thói quen hàng ngày cũng đóng góp đáng kể vào việc này, theo Bodyandsoul.
Chà da mặt
Tẩy tế bào chết và giữ cho da sạch chưa phải là cách hay nhất để ngừa mụn cho loại da dễ bị mụn. Thực tế, chà rửa mụn trứng cá có thể làm mài mòn da gây ra mụn hoặc khiến mụn phát triển nhiều hơn bởi da bị sưng hoặc rát, theo bác sĩ da liễu Mei Tam tại All About Acne (Úc).
Xà bông cũng làm tăng độ pH của da và sự hiện diện của vi khuẩn gây mụn. Tiến sĩ Tam khuyến cáo nên sử dụng loại chất tẩy rửa da nhẹ nhàng, không xà phòng, không có chứa salicylic hoặc axit boric và không nên chà xát da quá mạnh vào buổi sáng và ban đêm.
Mồ hôi
"Độ ẩm trên da mặt tăng làm tăng nguy cơ tắc nghẽn lỗ chân lông có thể dẫn đến nổi mụn", tiến sĩ Tam nói.
Chuyên gia khuyến cáo nên giữ cho làn da mát mẻ bằng cách làm sạch nó với các loại chất tẩy rửa nhẹ nhàng sau giờ tập thể dục.
Chạm vào da
Da mặt tiếp xúc với vi khuẩn trên tay làm tăng nguy cơ nổi mụn. Tuy vậy, khi da đã nổi mụn thì không nên dùng tay nặn, theo Tiến sĩ Tam.
Nặn mụn có thể gây viêm nhiễm, làm cho các nốt mụn sâu hơn và tăng nguy cơ có sẹo vĩnh viễn.
Không dùng kem dưỡng ẩm
Một số người tránh sử dụng kem dưỡng ẩm vì sợ rằng nó có thể dẫn đến mụn. Tuy nhiên, Tiến sĩ Tam cho biết giữ ẩm cho da là một bước quan trọng trong việc giữ cho da khỏe mạnh.
Đối với loại da dễ bị kích thích, nên dùng kem dưỡng ẩm.
Giảm ăn đường
Đường là thủ phạm gây ra mụn, theo chuyên gia châm cứu và vẻ đẹp trị liệu Eli Huang ở Sydney (Úc).
Theo đó, thực phẩm có đường gây ra biến động lớn về lượng đường trong máu, có thể kích thích sản xuất bã nhờn.
Các thực phẩm tốt nhất cho da là rau tươi, chất béo lành mạnh, protein, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt.
Rượu bia
Bà Judy Cheung, Giám đốc điều hành, chuyên gia chăm sóc da mụn tại SkinB5 (Úc), nói: "Các nguyên nhân gốc rễ của mụn trứng cá là sự kết hợp phức tạp giữa các loại hoóc môn, lối sống (uống rượu, thức khuya, căng thẳng, chế độ ăn uống), chất hóa học tồn đọng trong cơ thể, di truyền học và thậm chí cả thời tiết và môi trường.
Theo bà Chung, để giữ cho làn da sạch, cơ thể cần có các vitamin và khoáng chất quan trọng. Do vậy, bạn cần phải kiểm soát việc sản xuất dầu, cân bằng nội tiết tố, tăng cường hệ miễn dịch và giảm stress.
Căng thẳng
Căng thẳng có tác động rất lớn đến hệ thống nội tiết tố, tác nhân gây ra mụn.
Nên có cách quản lý căng thẳng hiệu quả để giảm stress, kết hợp với các hoạt động thể chất lành mạnh như tập thể dục và yoga để da không bị mụn.
Bình luận (0)