7 trường ĐH kỹ thuật nhóm G7 ký kết hợp tác về quốc tế hóa giáo dục

Hà Ánh
Hà Ánh
16/12/2022 17:11 GMT+7

Sau hợp tác toàn diện về tuyển sinh và đào tạo, 7 trường ĐH kỹ thuật nhóm G7 tiếp tục ký kết hợp tác trong lĩnh vực quốc tế hóa giáo dục .

Các trường ĐH kỹ thuật nhóm G7 ký kết hợp tác lần thứ 5 sáng ngày 16.12

TH.H.

Sáng 16.12, nhóm G7 gồm 7 trường ĐH kỹ thuật ký kết hợp tác trong lĩnh vực quốc tế hóa giáo dục với nội dung kiểm định quốc tế và bảo đảm chất lượng đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực chất lượng quốc tế. Các trường thuộc nhóm gồm: Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, Trường ĐH Giao thông vận tải, Trường ĐH Thủy lợi và Trường ĐH Mỏ - Địa chất.

Theo thỏa thuận hợp tác này, bảy trường sẽ phối hợp lĩnh vực quốc tế hóa giáo dục, với các hoạt động chung tổ chức bởi 7 trường. Đây sẽ là cơ hội để 7 trường cùng nhau phát triển hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong các hoạt động kiểm định quốc tế và bảo đảm chất lượng. Trong bối cảnh quốc tế hóa giáo dục ĐH, việc đẩy mạnh các hoạt động kiểm định quốc tế sẽ góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện chiến lược phát triển, hoàn thành sứ mạng và mục tiêu tầm nhìn của mỗi trường.

Các trường thành viên sẽ cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực hiện các công tác kiểm định quốc tế, phối hợp soạn thảo các quy trình và hệ thống danh mục tài liệu phục vụ công tác kiểm định theo từng bộ tiêu chuẩn cụ thể. Từ đó cùng nhau xây dựng và triển khai thực hiện các bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng nội bộ, giúp cho đội ngũ giảng viên, sinh viên và nhân sự các đơn vị nhận thức được tầm quan trọng của công tác kiểm định và bảo đảm chất lượng, góp phần nâng cao chất lượng và đẩy mạnh các hoạt động liên quan.

Một nội dung đáng chú ý là chuyển đổi số trong bảo đảm chất lượng và kiểm định. Các thành viên sẽ hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện chuyển đổi số công tác kiểm định và bảo đảm chất lượng đào tạo như: số hóa dữ liệu, xây dựng nền tảng điện toán giúp lưu trữ các dữ liệu phục vụ công tác kiểm định theo các mảng như công tác sinh viên, hợp tác doanh nghiệp, đổi mới chương trình đào tạo, hoạt động dạy và học… Bên cạnh đó là xây dựng các phần mềm, ứng dụng phân tích dữ liệu trong khảo sát, đo lường và đánh giá, từ đó đưa ra các dự báo, khuyến nghị và giải pháp bảo đảm sự cải tiến liên tục và hiệu quả cho công tác kiểm định và bảo đảm chất lượng.

PGS-TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết: "Quốc tế hóa giáo dục ĐH là xu thế tất yếu, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay. Với quá trình này, ngành giáo dục Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc bởi việc tham gia kiểm định mang lại rất nhiều lợi ích cho cả phụ huynh, sinh viên và các trường ĐH".

Phát biểu tại buổi lễ, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), chia sẻ Bộ GD-ĐT cam kết luôn đồng hành chia sẻ với các trường. Hiện bộ đang có nguồn khoảng 430 tỉ đồng để đầu tư vào các khóa học dùng chung, giao nhiệm vụ cho một số trường chủ trì theo từng lĩnh vực. Trong đó ĐH Bách khoa Hà Nội được giao chủ trì lĩnh vực khoa học công nghệ- kỹ thuật cơ khí, các trường có trách nhiệm cùng hỗ trợ chia sẻ để đưa vào vận hành nền tảng dùng chung này.

Đây là lần thứ năm 7 trường ĐH kỹ thuật nhóm G7 ký kết thỏa thuận hợp tác. Trước đó các trường đã ký kết thỏa thuận hợp tác về xây dựng chương trình đào tạo và thỏa thuận hợp tác về tuyển sinh, đào tạo, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, truyền thông. Đáng chú ý là các trường thống nhất phát triển chương trình đào tạo kỹ sư theo hướng chuyên sâu nghề nghiệp với chuẩn chương trình đảm bảo tương đương trình độ thạc sĩ và đạt bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam, tối thiểu 180 tín chỉ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.