Như Báo Thanh Niên đã đăng tin, theo một nghiên cứu mới được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Cambridge (Anh), 2 triệu chứng phổ biến mà đến 70% các trường hợp Covid kéo dài gặp phải là các vấn đề về trí nhớ và thiếu tập trung. Cứ 10 bệnh nhân Covid-19 thì có 1 người gặp một số vấn đề về thần kinh sau nhiều tháng. Và có đến 75% những người gặp các vấn đề về thần kinh này gặp khó khăn trong việc tập trung. Những dấu hiệu này kéo dài trong khoảng 6 tháng đến 1 năm sau khi nhiễm bệnh. Vậy nếu bạn gặp phải những vấn đề về trí nhớ hậu Covid-19 thì chữa thế nào?
Nếu bạn gặp phải những triệu chứng về vấn đề trí nhớ hậu Covid-19 thì nên chữa trị như thế nào? |
X.T |
Khổ sở vì cứ nhớ nhớ, quên quên
Cách đây không lâu, Nguyễn Hoàng Dung (27 tuổi, ngụ tại đường Lạc Long Quân, TP.Nha Trang) đã đăng những dòng trạng thái trên mạng xã hội chia sẻ về câu chuyện bi hài vì bị ảnh hưởng của hậu Covid-19.
Dung đăng: “Có ai sau hậu Covid mà như mình không? Dắt xe ra đi làm mà cứ không bật chân chống, đề máy mãi không nổ lại dắt xe đi sửa vì không biết xe có bị hư gì không. Quá khổ vì hậu Covid-19 cứ nhớ nhớ, quên quên mọi người ạ”.
Chia sẻ với người viết, Dung cho biết cứ như bị não cá vàng: “Trước đây đâu đến nổi này, quên mấy việc vặt vãnh thì được, chỉ sợ quên việc lớn thì tiêu. Dạo gần đây mình thường hay gặp kiểu như định làm cái gì đó thì lại quên mất tiêu, ngồi lại cố nhớ một lúc sau mới nhớ ra. Hy vọng là nhanh hết chứ chưa già cả gì mà đã thế này rồi”.
Bác sĩ Thy thăm khám cho bệnh nhân hậu Covid-19 |
X.T |
Cũng giống Dung, Trần Thị Minh Hằng (30 tuổi, ngụ tại Chung cư Fresca Riverside, P. Bình Chiểu, TP. Thủ Đức) kể: “Lúc mình nhiễm Covid-19 là khi đã có đủ 3 mũi vắc xin rồi. Nên triệu chứng lúc bị thì nhẹ, mình chỉ đau họng và sốt khoảng 3 ngày. Nhưng từ sau khi hết thì mình gặp nhiều triệu chứng lạ. Bụng thì kiểu rất yếu, mà đúng hơn mình thấy hình như là yếu toàn thân luôn đó. Đi tập thể dục chạy được 10 phút là đứt hơi, kiểu người không đủ sức, bụng thì ăn gì cũng dễ bị đau, mặc dù trước đây bụng mình khá khỏe”.
Hằng cũng kể thêm về các tình huống bi hài: “Người cứ lúc nhớ, lúc quên hổng hiểu được. Kiểu khó chịu lắm, có hôm nấu đồ ăn xong bỏ vào giỏ hết rồi mà đến lúc đi làm lại quên, tối về đồ ăn hư luôn cũng phải bỏ. Mình hay hứa mua này, mua kia cho thằng con, mà cứ đi làm về nó hỏi mẹ có mua cho con không thì mới sực nhớ ra là lại quên mất rồi”.
Cách để điều trị các vấn đề trí nhớ hậu Covid-19
Cũng thừa nhận các bệnh nhân đến khám hậu Covid-19 có những trường hợp cũng bị các triệu chứng về trí nhớ, thạc sĩ, bác sĩ Kiều Xuân Thy, Phó trưởng cơ sở 3 Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, chuyên điều trị hậu Covid-19, cho biết cách để khắc phục cho những nhóm bệnh nhân cũng đi từ nặng đến nhẹ.
“Có những người sẽ bị nặng như bị Alzheimer ở người lớn tuổi, đối với những trường hợp này chắc chắn phải được thăm khám bởi chuyên khoa thần kinh, để xem bệnh nhân có bị những tổn thương gì ở não không. Vì đã có các bằng chứng chứng minh là Covid-19 gây những tổn thương về não bộ. Nếu đã chứng minh chắc chắn không có một tổn thương nào khác thì mới kết luận đó là hội chứng sương mù ở người hậu Covid-19, lúc này sẽ có những cách chăm sóc dành riêng cho nhóm đối tượng này”, bác sĩ Thy thông tin.
Lú lẫn, "sương mù não" hậu Covid-19: có biến đổi ở não giống bệnh Alzheimer? |
Theo bác sĩ Thy, khi gặp những triệu chứng về trí nhớ thì đầu tiên và quan trọng nhất là chế độ sinh hoạt chứ không phải là thuốc. Và theo từng nhóm đối tượng sẽ có những cách hướng dẫn điều trị khác nhau, riêng đối với nhóm đối tượng đang trong độ tuổi lao động, người trẻ thì bác sĩ Thy khuyên cần phải có thời khóa biểu, cân đối giữa công việc và giờ giấc nghỉ ngơi. Thời gian khoảng 23 giờ đêm đến 2 giờ sáng, bắt buộc phải được nghỉ, được ngủ. Thời gian biểu làm việc phải được giảm lại, làm 45 - 50 phút thì nên nghỉ ngơi khoảng 5 - 10 phút, không nên làm việc liên tục mấy tiếng đồng hồ như lúc chưa bị bệnh.
Theo bác sĩ Thy, việc đánh bài cũng là cách để chúng ta tập luyện lại trí nhớ cho não bộ |
HOA NỮ |
“Học cách ghi nhớ cho trí nhớ của não mình quay lại từ từ. Cái gì cũng đòi hỏi phải học lại từ từ, ghi chú một cách cẩn thận và kỹ càng từng việc phải làm rồi để ở những nơi mình dễ thấy. Hãy từ từ trở lại công việc, giống như làm quen lại từ đầu, làm những công việc nhỏ trước đến những kế hoạch và dự án lớn hơn”, bác sĩ Thy khuyên.
Cũng theo bác sĩ Thy, mọi người cần có thời gian để tập luyện lại trí nhớ, như có thể chơi đánh bài, chơi cờ caro… phụ nữ thì có thể đan lát, cắm hoa… tức là những môn giúp họ vận động trí óc một cách nhẹ nhàng. Chế độ ăn uống phải đúng bữa, đúng giờ, uống đủ nước, không được để thiếu nước. Một số loại thức ăn tốt cho trí óc như các loại hạt, trái cây, rau xanh… mọi người cũng nên lưu ý thêm. Và đặc biệt phải dành thời gian để tập luyện thể thao.
“Chế độ sinh hoạt và tập luyện vẫn là quan trọng nhất. Bên cạnh đó, đôi khi bác sĩ sẽ cho người bệnh một số thuốc giúp tăng tuần hoàn máu não, gồm cả đông y và tây y, giúp cho sự kết nối tín hiệu giữa tế bào não sẽ tốt hơn, máu lưu thông ở vùng não tốt hơn, từ đó giúp cho kế hoạch lập lại trật tự của não bộ cũng tốt hơn”, bác sĩ Thy chia sẻ.
Một điều đặc biệt, bác sĩ Thy muốn nhắn gửi đến tất cả mọi người: “Khi chúng ta có những triệu chứng bất thường sau Covid-19 thì điều đầu tiên cần nhất vẫn là đi khám. Những biểu hiện chúng ta gặp có thể là triệu chứng hoàn toàn của Covid-19, nhưng cũng có thể là triệu chứng báo hiệu của một tổn thương não bộ thật sự. Ví dụ như các bệnh lý của người lớn tuổi thì có thể là khởi phát của bệnh Alzheimer, còn ở độ tuổi lao động thì có thể là sự khởi phát của viêm hoặc ung thư não. Không ai có thể loại trừ được, cho đến khi được thăm khám cẩn thận”.
Vị bác sĩ này lưu ý thêm: “Có những người hơi ỷ y, cứ vừa mới nhiễm Covid-19 xong được vài tháng thì cứ nghĩ đó là những triệu chứng của hậu Covid và không cần quan tâm đến, nhưng biết đâu nó lại là triệu chứng của những bệnh nguy hiểm hơn. Triệu chứng của những bệnh nguy hiểm này có khả năng không phải do hậu Covid-19, nhưng cũng có khả năng là do hậu Covid-19 làm khởi phát bệnh”.
Các triệu chứng thường gặp hậu Covid-19
Theo kinh nghiệm từ quá trình thăm khám và điều trị cho bệnh nhân hậu Covid-19, bác sĩ Thy cho biết nhóm bệnh thường gặp nhiều là những rối loạn chức năng về hô hấp, nhịp tim và tiêu hóa. Hô hấp là các triệu chứng như ho, luôn cảm thấy mệt, hụt hơi, khó thở và ban đêm ngủ cảm giác có một lúc nào đó như bị nghẹt không thở được và làm tỉnh giấc.
Các triệu chứng về tim thì hồi hộp, lo lắng, đánh trống ngực, nhưng không xảy ra thường xuyên hằng ngày mà theo cơn, có thể diễn ra vài phút rồi hết. Nhưng cũng có những người tim đập nhanh liên tục trong ngày, gây rối loạn nhịp tim rất nghiêm trọng cho người bệnh.
Nhóm rối loạn tiêu hóa đối với người bị hậu Covid-19 theo bác sĩ Thy là gặp nhiều nhất. Với những tình trạng như viêm, trào ngược dạ dày, hội chứng ruột kích thích xảy ra rất thường xuyên.
Theo bác sĩ Thy, dù là mọi người gặp phải các triệu chứng về vấn đề trí nhớ và không biết phải chữa như thế nào hay bất kỳ triệu chứng gì hậu Covid-19, thì cũng cần đến bác sĩ thăm khám để đánh giá chính xác được mức độ nặng nhẹ của các triệu chứng. Hiện nay, theo bác sĩ Thy, với sự kết hợp điều trị cả tây và đông y thì các triệu chứng hậu Covid-19 này đang được kiểm soát tốt.
Bình luận (0)