75 năm trước, người dân Sài Gòn - Chợ Lớn bầu đại biểu Quốc hội thế nào?

12/01/2021 12:39 GMT+7

Cách đây hơn 75 năm, người dân Sài Gòn - Chợ Lớn bỏ phiếu vào hàng trăm hòm phiếu lưu động để chọn đại biểu Quốc hội. 42 cán bộ chiến sĩ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tổng tuyển cử đầu tiên.

Sáng 12.1, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM tổ chức buổi họp mặt kỷ niệm 75 năm ngày tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6.1.1946 - 6.1.2021) với có sự tham dự của nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban MTTQ VN và TP.HCM và nhiều thế hệ ĐBQH, ĐBQH lão thành cách mạng tham gia từ khóa đầu tiên.

Ngày 6.1.1946, ở Hà Nội 91,95% cử tri đi bỏ phiếu

Phát biểu tại buổi họp mặt, ông Trần Lưu Quang, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, đồng thời là ĐBQH Đoàn ĐBQH TP.HCM, ôn lại không khí sôi nổi trong ngày tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên, ngày 6.1.1946.

Ông Trần Lưu Quang, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, ôn lại kỷ niệm cuộc tổng tuyển cử đầu tiên

Ảnh: SỸ ĐÔNG

Vào ngày này, cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên diễn ra trong cả nước, kể cả các vùng đang có chiến sự ở Nam bộ, Nam Trung bộ và Tây nguyên. Ở Hà Nội đã có 91,95% cử tri của 74 khu nội thành và 118 làng ngoại thành đi bỏ phiếu. Kết quả, có 6 trong số 74 ứng cử viên trúng cử ĐBQH. Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%).
Tại Sài Gòn - Chợ Lớn, quân Pháp chiếm toàn bộ thành phố và các vùng xung quanh. Tổng tuyển cử ở đây đã diễn ra dưới sự lùng ráp, khủng bố gay gắt của kẻ thù. Ủy ban hành chính thành phố mặc dù phải chuyển ra ngoại ô phía Tây Nam nhưng vẫn bám sát chỉ đạo nhân dân nội thành và ngoại thành tiến hành tổng tuyển cử. “Hàng trăm cán bộ chính quyền, đoàn thể, chiến sĩ làm công tác tuyển cử đã chia ra các ngả, bám sát từng khu phố, từng xóm lao động, từng người dân để lập danh sách cử tri, tuyên truyền vận động bầu cử”, ông Quang ôn lại.
Lúc đó, không có nơi bỏ phiếu cố định mà mỗi hội (tương đương với phường ngày nay), kể cả những hộ ở trung tâm thành phố, có từ 3 - 4 hòm phiếu lưu động được chuyển tới từng ngõ, từng nhà cho đồng bào bỏ phiếu. Cả Sài Gòn - Chợ Lớn có hàng trăm hòm phiếu như vậy. Tại Sài Gòn - Chợ Lớn, 42 cán bộ chiến sĩ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tổng tuyển cử.
Cũng theo Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, tổng số cử tri trên cả nước đi bỏ phiếu đạt tỷ lệ 89%, trừ một số nơi phải bầu bổ sung còn tuyệt đại đa số các địa phương chỉ bầu một lần. Cuộc tổng tuyển cử đã bầu được 333 đại biểu, trong đó có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau, 43% số đại biểu không đảng phái. 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng; 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu dân tộc thiểu số.

Đoàn ĐBQH TP.HCM đóng góp cho 3 nghị quyết quan trọng

Ông Trần Lưu Quang nhìn nhận các ĐBQH TP.HCM qua các thời kỳ đã hoạt động tích cực, trách nhiệm, làm tốt chức năng của người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân; các hoạt động tiếp công dân, tiếp xúc cử tri để phản ánh nguyện vọng của nhân dân ngày càng thiết thực, góp phần giám sát, đôn đốc các cấp chính quyền.
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá 14, Đoàn ĐBQH TP.HCM đã tổ chức 112 hội nghị, hội thảo lấy ý kiến xây dựng luật; tổ chức 347 cuộc tiếp xúc cử tri, tổ chức 32 nội dung giám sát, khảo sát; tổ chức 185 buổi tiếp công dân, thực hiện tiếp nhận, chuyển và đôn đốc cơ quan chức năng giải quyết hơn 4.000 đơn thư, khiếu nại, tố cáo…

Đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ trao đổi về vai trò trách nhiệm của đại biểu Quốc hội đối với cử tri

Ảnh: SỸ ĐÔNG

Dấu ấn trong nhiệm kỳ qua của Đoàn ĐBQH TP.HCM là cùng với chính quyền thành phố kiến nghị, đề xuất Chính phủ trình Quốc hội thông qua 3 nghị quyết quan trọng, tạo tiền đề giúp TP.HCM phát triển nhanh và bền vững. Cụ thể, Nghị quyết 54/2017 về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, Nghị quyết 131/2020 về tổ chức Chính quyền đô thị tại TP.HCM và Nghị quyết 1111/2020 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP.Thủ Đức thuộc TPHCM…
Trong thời gian tới, ông Quang cho biết Đoàn ĐBQH TP.HCM sẽ tiếp tục đổi mới, kề vài sát cánh cùng chính quyền thành phố làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình, công tác tiếp cử tri thiết thực hơn; đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xây dựng pháp luật, nắm bắt thực tiễn phong phú của thành phố để đóng góp vào ý chí chung của Quốc hội.

6.1.1946, ngày tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 3.9.1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ “tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai, gái 18 tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống…”.
Ngày 8.9.1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra Sắc lệnh số 14-SL về cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội.
Việc chuẩn bị cho Tổng tuyển cử diễn ra khẩn trương trong điều kiện thù trong, giặc ngoài, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội hết sức khó khăn. Các ban bầu cử đã được thành lập tới tận làng xã do Ủy ban nhân dân các cấp trực tiếp đảm nhiệm. Nhiều người có tài, có đức xung phong ra ứng cử hoặc được quần chúng giới thiệu ra ứng cử. Danh sách cử tri và ứng cử viên được hoàn thành và niêm yết công khai. Quần chúng sôi nổi trao đổi, tranh luận, chất vấn nhằm lựa chọn được những người xứng đáng nhất làm đại diện cho mình, hạn chế những phần tử cơ hội lợi dụng dịp Tổng tuyển cử để tranh giành quyền chức.
Ngày 5.1.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.