8 ‘bệnh nan y' của thị trường bất động sản

Lê Quân
Lê Quân
09/08/2021 09:57 GMT+7

Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đã chỉ ra 8 vấn đề tồn tại lâu dài của thị trường địa ốc nước ta.

Những tồn tại mang tính “truyền thống”

Báo cáo thị trường bất động sản quý 2 do Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, công bố đã chỉ ra nhiều vấn đề còn tồn tại thị trường địa ốc.
Thứ nhất, hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản vẫn còn một số quy định chồng chéo gây khó khăn trong thủ tục đầu tư. Điều này dẫn đến tình trạng thủ tục đầu tư dự án bị kéo dài gây ảnh hưởng đến nguồn cung cho thị trường bất động sản...
Thứ 2, cơ cấu hàng hóa bất động sản tuy đã được điều chỉnh nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường. Nguồn cung nhà ở trung, cao cấp vẫn chiếm tỷ lệ lớn, trong khi nguồn cung nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội vẫn thiếu so với nhu cầu thực tế.
Thứ 3, thông tin về thị trường bất động sản chưa đầy đủ và thiếu thống nhất; chưa bảo đảm công khai, minh bạch (như thông tin về quy hoạch, các dự án được thế chấp ngân hàng, tính pháp lý của từng dự án...) là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sốt nóng cục bộ tại một số địa phương.
Thứ 4, giá nhà ở, đặc biệt là tại khu vực đô thị, có xu hướng tăng so với mặt bằng thu nhập chung của người dân cũng như tốc độ phát triển của nền kinh tế. Nguyên nhân là do giá đất tại một số địa phương được điều chỉnh tăng, giá một số vật liệu xây dựng trong thời gian qua cũng tăng đột biến….
Thứ 5, vẫn còn các dự án bất động sản chưa đủ hồ sơ pháp lý, không đủ điều kiện kinh doanh vẫn đưa ra giao dịch, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, đồng thời gây mất trật tự an ninh xã hội.
Thứ 6, giao dịch bất động sản sơ cấp khó kiểm soát, nhiều rủi ro cho khách hàng do không bắt buộc thực hiện qua sàn giao dịch bất động sản.

Thiếu minh bạch thông tin kịp thời là một trong những nguyên nhân gây sốt đất ảo, tạo điều kiện cho "cò" đất tung tin thổi giá đất trục lợi, làm méo mó thị trường bất động sản

Ảnh Lê Quân

Thứ 7, hoạt động môi giới bất động sản chưa được kiểm soát tốt, đặc biệt là các cá nhân hoạt động môi giới bất động sản tự do, không được đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản, còn khá phổ biến.
Thứ 8, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở còn chậm, khó khăn kéo dài trong nhiều năm dẫn đến thắc mắc, khiếu kiện của người dân và ảnh hưởng tới giao dịch của thị trường bất động sản.

Đều là “bệnh nan y” của địa ốc

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, đánh giá đa phần những tồn tại nêu trên đều là những “khuyết tật”, “bệnh nan y” đã tồn tại nhiều năm qua mà cơ quan quản lý nhà nước chưa tìm ra “phương thuốc” hữu hiệu.

Những khuyết tật kể trên đều là những "bệnh nan y" của thị trường địa ốc

Ảnh Lê Quân

Theo ông Thành, những tồn tại như thể chế pháp luật, cơ cấu hàng hoá mất cân bằng, thông tin thiếu minh bạch kịp thời, bất động sản thiếu pháp lý vẫn tung ra thị trường bán, giá nhà tăng nhanh hơn là thu nhập của người dân khiến khó tiếp cận… đều là những vấn đề đã tồn tại cả thập kỷ qua.
Trong nhiều báo cáo thị trường, báo cáo chuyên ngành, hội nghị, hội thảo hay thậm chí ở diễn đàn lớn như Quốc hội cũng đều “điểm danh”, nhưng đến nay vẫn là tồn tại của địa ốc. Đây đều là những “khuyết tật” lớn của thị trường, không dễ giải quyết, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của nhiều bộ, ngành liên quan cung như cấp địa phương.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, vấn đề về hoạt động của môi giới bất động sản vốn tồn tại từ khi có thị trường. Tuy nhiên, vài năm gần đây, hoạt động môi giới bất động sản đã trở nên chuyên nghiệp hơn, bài bản hơn. Việc cấp chứng chỉ hành nghề cũng được đẩy mạnh, nhưng vẫn chưa thể giải quyết ngay, số lượng môi giới qua đào tạo bài bản vẫn chưa nhiều. Do vậy, khó tránh được những sai lầm, sự thiếu chuyên nghiệp, gây tác động xấu đến thị trường. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến giao dịch ở thị trường sơ cấp tiềm ẩn nhiều rủi ro cho khách hàng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.