Tiêu thụ sụt giảm, doanh nghiệp khó chồng khó
Phát biểu tại tọa đàm "Thị trường vật liệu xây dựng - Những điểm nghẽn và giải pháp" diễn ra ngày 10.6, tại Hà Nội, ông Lê Quang Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam, cho biết bất động sản là ngành kinh tế đầu tàu của hàng chục ngành sản xuất khác, nhưng nay nguồn cung mới, thanh khoản giảm mạnh khiến thị trường rơi vào tình trạng "đóng băng", doanh nghiệp khó khăn.
Đồng thời, đầu tư công vốn được coi là nguồn lực dẫn dắt cho đầu tư tư nhân phát triển, hiện giải ngân rất thấp. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm đạt gần 14,7% kế hoạch năm. Mức này mới đạt gần 15,7% kế hoạch Thủ tướng giao và thấp hơn cùng kỳ năm 2022 (18,48%). Sẽ rất khó có đột phá tăng trưởng GDP trong quý 2.
Ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu (Bộ Xây dựng), cho biết kinh tế suy thoái dẫn đến tiêu thụ nhiều mặt hàng vật liệu xây dựng giảm mạnh. "Theo dõi ngành 20 năm qua, tôi nhận thấy sản xuất vật liệu xây dựng phát triển khá mạnh, sản lượng vượt so với nhu cầu sử dụng trong nước từ 10 -30%. Đề nghị doanh nghiệp giảm sản lượng sản xuất để làm sao sản xuất ra tương ứng với nhu cầu, giảm tồn đọng", ông Bắc nói.
Ông Đinh Quốc Thái, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho biết 4 tháng đầu năm, sản xuất và tiêu thụ nhiều loại thép đều sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Dự báo, sản xuất thép năm 2023 của Việt Nam sẽ tăng 2 - 3% so với năm 2022 nhưng thị trường vẫn phức tạp, khó lường, giá nguyên vật liệu thép còn nhiều biến động…
Trong khi đó, ông Lương Đức Long, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam, cho hay năm 2022, sản xuất, tiêu thụ xi măng giảm so với năm 2021; 5 tháng đầu năm 2023, sản xuất, tiêu thụ xi măng cũng chưa có nhiều khởi sắc. Trong khi đó, ngành xi măng đang phải đối mặt với khó khăn: giá nhiên liệu (than, điện…), vận tải tăng nhưng nhu cầu thị trường giảm mạnh, đầu ra bị tắc nghẽn khiến tồn đọng sản phẩm, vốn tăng… gây thêm nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Đẩy mạnh đầu tư công, khơi thông vốn cho bất động sản
Ông Long đề xuất tháo gỡ điểm nghẽn đầu ra của ngành bằng cách tăng cường xây dựng nhà ở (nhất là nhà ở xã hội), khu đô thị, đường giao thông…, nhất là đường giao thông ở khu vực các tỉnh phía nam để vừa tạo đầu ra cho sản phẩm, vừa có hạ tầng thuận lợi.
Ông Đinh Quang Huy, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam, cho biết trước năm 2021, ngành đã đạt được những bước phát triển mạnh. Năm 2020, công suất đạt tới 800 triệu m2 gạch ốp lát, 24 triệu sản phẩm sứ vệ sinh; doanh thu hàng năm trên 80.000 tỉ đồng…
Nhưng từ năm 2021 đến nay, sản xuất, kinh doanh của gốm sứ xây dựng sụt giảm khoảng 30 - 35%. Nhất là năm 2022 và quý 1/2023, thị trường gốm sứ xây dựng hầu như tê liệt trong sản xuất, lưu thông. Trung bình từ năm 2021 đến nay, sản xuất chỉ đạt 50 - 60% sản lượng đầu tư; nhưng tỷ lệ tồn kho nội địa lên tới 20% khiến doanh nghiệp phải liên tục giảm sản xuất.
Theo ông Huy, một trong những nguyên nhân chính là do thị trường bất động sản đình trệ. Mặt khác, dịch bệnh Covid-19 tác động làm đứt gãy chuỗi cung ứng nên xuất khẩu cũng gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, lãi suất ngân hàng, thuế duy trì ở mức cao so với điều kiện thực tế... dẫn đến nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản.
Thảo luận tại tọa đàm, nhiều kiến nghị cho rằng cần có giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi để tăng cầu; đẩy mạnh đầu tư công đạt đến 95 - 100% kế hoạch năm 2023; chú trọng khơi thông dòng vốn cho bất động sản; đơn giản thủ tục gói 120.000 tỉ đồng để người dân dễ dàng tiếp cận vay vốn kịp thời, doanh nghiệp có vốn hoạt động; giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến năm 2024; giảm thuế đất đến hết năm 2023, cho nợ thuế đất đến hết năm 2024; giảm lãi vay ngân hàng…
8 hội, hiệp hội gồm: Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, Hiệp hội Xi măng Việt Nam, Hội Bê tông Việt Nam, Hiệp hội Thép Việt Nam, Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam, Hiệp hội Kính và Thủy tinh Việt Nam, Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam, Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam cùng Viện Vật liệu xây dựng, Công ty CP Eurowindow cùng tổ chức tọa đàm "Thị trường vật liệu xây dựng - Những điểm nghẽn và giải pháp".
Tọa đàm nhằm đánh giá về tình hình sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm vật liệu xây dựng chủ yếu, phân tích đa chiều về những điểm nghẽn, giải pháp khơi thông thị trường tiêu thụ.
Bình luận (0)