8 kết quả tích cực về chuyển đổi số tại Việt Nam

10/10/2022 17:03 GMT+7

Chuyển đổi số tại Việt Nam thời gian qua có nhiều chuyển biến và ghi nhận những kết quả tích cực ở các khía cạnh khác nhau.

Sáng 10.10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có những đánh giá tích cực về công cuộc chuyển đổi số ở Việt Nam thời gian qua, trong đó ghi nhận những chuyển biến cả về nhận thức lẫn hành động ở lĩnh vực này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ về chuyển đổi số tại Việt Nam

Vgp

Tại sự kiện Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10.10 tổ chức tại Hà Nội, Thủ tướng nhận định Việt Nam có 8 kết quả tích cực về chuyển đổi số bao gồm:

  • Nhận thức và hành động có nhiều chuyển biến
  • Xây dựng chiến lược, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm chỉ đạo
  • Hạ tầng số được tăng cường đầu tư, từ đó nhiều nền tảng số tiếp tục phát triển
  • Cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho Chính phủ số, công tác truyền thông được thúc đẩy
  • Dịch vụ công trực tuyến triển khai ngày càng hiệu quả, sâu rộng
  • An ninh, an toàn thông tin tiếp tục được chú trọng
  • Nguồn lực tài chính, nhân lực cho chuyển đổi số được tăng cường
  • Tỷ trọng đóng góp của kinh tế số vào GDP ngày càng tăng.

Bên cạnh đó, lĩnh vực này cũng đóng góp công sức để thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng cũng như nguồn nhân lực. Từ đó, tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trong khi hạ giá thành sản phẩm. Ở lĩnh vực công, việc ứng dụng chuyển đổi số đã giúp giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân lẫn doanh nghiệp. Chính quyền cũng được nâng cao năng lực quản lý.

"Kết quả hôm nay mới chỉ là bước đầu, chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm phía trước", Thủ tướng nhận định. Ông cũng cho rằng để chuyển đổi số quốc gia trở nên hiệu quả cần tới chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và phải tạo được sự thay đổi trong phương thức quản lý, vận hành cũng như quản trị xã hội.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định chuyển đổi số là xu thế tất yếu đang diễn ra mạnh mẽ, sâu rộng và hằng ngày. Đây là phương thức đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030 của Chính phủ, chuyển đổi số ở Việt Nam sẽ được triển khai toàn diện, với sự tham gia của cả người dân, doanh nghiệp cũng như các cơ quan hành chính nhà nước.

"Quan điểm của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu và là động lực, nguồn lực cho chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh, hiệu quả hơn và chính họ sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển", Thủ tướng nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.