(TNO) Năm 2014 chứng kiến nhiều biến động trên thế giới. 8 khoảnh khắc thú vị dưới đây của lãnh đạo các nước thể hiện phần nào những câu chuyện chính trường nổi bật trong năm
Tổng thống Nga Putin lặng lẽ tại G20 - Ảnh: Reuters
|
Năm 2014 chứng kiến nhiều biến động trên thế giới khi nhiều thay đổi đến cùng một loạt các sự kiện đã và đang tiếp tục diễn ra: từ cuộc xung đột ở Syria, Ukraine cho đến sự lộng hành của tổ chức Nhà nước Hồi giáo cực đoan (IS) ở khu vực Syria và Iraq; từ hai thảm hoạ của hãng hàng không Malaysia Airlines đến sự bùng phát của đại dịch do vi rút Ebola gây ra ở Tây Phi.
Bên cạnh đó, 2014 cũng là năm báo chí ghi được nhiều khoảnh khắc lúng túng, tình huống khó xử của các lãnh đạo cấp cao thế giới. Nhờ có mạng xã hội cũng như sự phát triển của các phương tiện truyền thông, nhiều trong số những bức ảnh này đã lan rộng và để lại dấu ấn, theo tờ The Washington Post.
1. Tổng thống Nga lúng túng vỗ vai Tổng thống Mỹ
Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương APEC diễn ra tại Bắc Kinh tháng 11 vừa qua được xem là chuỗi ngày gặp gỡ đầy khó khăn của các nhà lãnh đạo trong bối cảnh có không ít mâu thuẫn ngấm ngầm giữa các nước thành viên tham dự.
Nhiều khoảnh khắc được ghi lại. Trong đó bức ảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin đột nhiên chạm vào vai Tổng thống Mỹ Barack Obama khi nhóm các nhà lãnh đạo đang tiến vào một cuộc hội đàm hôm 11.11 đã gây ấn tượng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin vỗ nhẹ vào vai tổng thống Mỹ Barack Obama tại APEC Bắc Kinh ngày 11.11 - Ảnh: AFP
|
Cả hai nhà lãnh đạo tham dự thượng đỉnh APEC đang bất hòa từ cuộc khủng hoảng Ukraine từ năm ngoái và Mỹ hiện đang áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế lên Nga. Hình ảnh ghi lại cảnh chạm vai cho thấy ông Putin muốn bày tỏ sự thân thiện, song cũng không giấu được sự lúng túng của mình khi ông nhận thức rõ rằng tình hình đang chuyển hướng xấu đi với việc Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt lên Nga.
2. Cái bắt tay lạnh lùng của Chủ tịch Trung Quốc và Thủ tướng Nhật
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (trái) được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) chào đón tại APEC Bắc Kinh 2014 - Ảnh: Reuters
|
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã có cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tổ chức tại Bắc Kinh ngày 10.11. Đây là cuộc gặp đầu tiên của hai nguyên thủ từ khi nhậm chức nhưng cả hai đã thể hiện thái độ lạnh lùng thông qua cái bắt tay chiếu lệ ở Đại Lễ đường Nhân Dân ở Bắc Kinh.
Cái bắt tay giữa hai nhà lãnh đạo - Ảnh: Reuters
|
Tấm ảnh cũng thể hiện mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong năm qua, chủ yếu xuất phát từ căng thẳng chủ quyền trên biển. Điểm chính của sự bất đồng quan điểm là phía Tokyo không công nhận có sự tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Senkaku mà Nhật đang nắm, trong khi Trung Quốc thì gọi là đảo Điếu Ngư và nói nó thuộc về Trung Quốc.
3. Ngôn ngữ cơ thể căng thẳng của Ngoại trưởng Nga và Mỹ
Bức ảnh chụp Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John F. Kerry hôm 14.3.2014 - Ảnh: AFP
|
Trở lại ba tháng đầu năm 2014 - thời điểm Nga quyết định sát nhập Crimea vào lãnh thổ của mình, hàng loạt cuộc đàm phán cao cấp giữa các lãnh đạo Nga - Mỹ đã diễn ra. Bức ảnh chụp của Ngoại trưởng Mỹ John F. Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov vào ngày 14.3, trước một phiên họp tại London cho thấy rõ ngôn ngữ cơ thể của hai người có vẻ không thân thiện, nếu không muốn nói là căng thẳng.
4. Tổng thống Thụy Sĩ được đón tiếp bằng quốc kỳ Đan Mạch khi đến Ukraine
Tổng thống Thụy Sĩ Didier Burkhalter (trái) bắt tay với Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk (phải) khi được đón tiếp bằng lá cờ Đan Mạch - Ảnh chụp màn hình
|
Vào ngày 14.4, Tổng thống Thụy Sĩ Didier Burkhalter, người đồng thời là Chủ tịch Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), đã được chào đón bằng lá cờ Đan Mạch khi đến Keiv, Ukraine tham dự một cuộc họp. Báo chí Thụy Sĩ hẳn nhiên tỏ ra không hài lòng, thể hiện bằng việc miêu tả viết lá cờ này là “sự xấu hổ”.
5. Thủ tướng Đức cười lớn
Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) cười lớn khi trò chuyện với Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto (phải) trong cuộc gặp tại The Hague, Hà Lan ngày 25.3 - Ảnh chụp màn hình
|
Danh sách số ít những lãnh đạo đã có một năm 2014 tương đối suông sẻ không thể thiếu Thủ tướng Đức Angela Merkel. Bà được tạp chí Forbes bình chọn là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới suốt 3 năm liền.
Trước đó, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy Angela Merkel sau 100 ngày cầm quyền là người giành được sự ủng hộ cao nhất trong số các thủ tướng lãnh đạo nước Đức kể từ năm 1949. Với những lí do trên, bà Merkel hoàn toàn có lí do để cười trong năm qua.
6. Chùm ảnh Tổng thống Nga lần lượt “diện đồ đôi” cùng lãnh đạo các nước
Trước sức ép và sự phản đối đến từ Mỹ và các nước phương Tây, Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn bội thu cho nước Nga nhiều mối quan hệ ngoại giao chiến lược với các nước khác như Ai Cập, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ thông qua các cuộc gặp gỡ của mình trong năm qua.
Trong số rất nhiều bức ảnh, tấm ảnh chụp trong lần đón tiếp tân Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah al-Sissi khi ông đến Sochi, Nga vào tháng 8 đã để lại ấn tượng. Tổng thống Nga trong ảnh đã diện chiếc kính mát và cà-vạt khá giống với người đồng cấp, ông Abdel Fatah al-Sissi.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah al-Sissi cùng diện kính mát và cà-vạt khá giống nhau - Ảnh: AFP
|
Đầu tháng 12, Tổng thống Nga cũng vận phục trang gần như tương tự với Tổng thống Thỗ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan chuyến thăm của ông đến nước này. Quan niệm đối lập nhau trong cuộc khủng hoảng ở Syria không ngăn cản Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đạt được những thoả thuận về hợp tác thương mại song phương.
Thổ Nhĩ Kỳ không tham gia trừng phạt Nga như các nước phương Tây khác, thậm chí còn tăng cường xuất khẩu vào Nga trong thời gian qua. Đại diện Liên minh châu Âu (EU) ngày 7.12 thậm chí đã phải cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ không phá hoại các nỗ lực trừng phạt của Cộng đồng chung đối với Nga, theo Reuters.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) được đón tiếp bởi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (trái) ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 1.12 – Ảnh: Reuters
|
Sau chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Putin tiếp tục có mặt tại New Delhi, Ấn Độ chưa đầy 2 tuần sau đó để củng cố, thúc đẩy hợp tác về năng lượng và quân sự với nước này. Phát biểu sau cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết Nga sẽ xây dựng cho nước này 10 lò phản ứng hạt nhân, và khẳng định Nga là đối tác quân sự hàng đầu của Ấn Độ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) tại New Delhi, Ấn Độ hôm 12.11 - Ảnh: AFP
|
Ba bức ảnh trên thể hiện nỗ lực của Nga trong việc đẩy mạnh mối quan hệ chiến lược và hợp tác chặt chẽ hơn với 3 nước trên trong bối cảnh sức ép không hề thuyên giảm từ Mỹ và phương Tây đang khiến sức khoẻ nền kinh tế nước này tuột dốc không phanh.
7. Lãnh đạo Triều Tiên đến thăm trại trẻ mồ côi
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong một bức ảnh được đăng tải trên trang mạng xã hội Tweeter hôm 27.10 - Ảnh chụp màn hình trang Tweeter
|
Câu chuyện về lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có lẽ là một trong số những câu chuyện tốn không ít giấy mực của báo chí trong năm qua. Ông Kim Jong-un bắt đầu năm 2014 không ồn ào với sự xuất hiện đều đặn, rồi đột nhiên biến mất sau mùa hè ít lâu trước khi xuất hiện trở lại với nhiều lời đồn đoán.
Việc ông bị Liên Hiệp Quốc cáo buộc vi phạm nhân quyền và việc Triều Tiên bị cáo buộc là nhân tố đằng sau vụ tấn công mạng nhằm vào Sony Pictures Entertainment trong vụ việc liên quan đến bộ phim “The Interview” là hai trong số những câu chuyện tiêu biểu xung quanh vị lãnh đạo và đất nước này trong năm qua.
8. Thủ tướng Anh đang điện đàm
Bức ảnh Thủ tướng Anh David Cameron đang điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama do chính ông Cameron đăng tải hôm 6.3 - Ảnh chụp màn hình Twitter
|
Ngày 6.3, ông David Cameron đã đăng trên tài khoản mạng xã hội Twittter của mình bức ảnh đang điện đàm với tổng thống Mỹ Barack Obama. Ông chú thích: “Tôi đang nói chuyện với ông Barack Obama về vấn về của Ukraine. Chúng tôi thống nhất trong quan điểm và sự phê phán trước hành động của Nga”.
Theo tờ The Washington Post, bức ảnh của Thủ tướng Anh đã bị châm chọc bởi cộng đồng mạng khi họ cho rằng Thủ tướng trông có vẻ quá cố gắng để thể hiện mối quan hệ đặc biệt giữa Anh và Mỹ.
Bình luận (0)