Báo cáo mới công bố của Vietnam Report cho thấy trong gần 2 năm vừa qua, đại dịch Covid-19 và những hệ lụy đi kèm đã tác động nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu, đẩy nhiều quốc gia đi vào suy thoái. Tuy nhiên, sự suy giảm kinh tế trong thời kỳ đại dịch không ảnh hưởng quá tiêu cực đến ngành logistics toàn cầu do mức tiêu thụ hàng hóa (trong đó có các hàng hóa thiết yếu) - đi kèm với đó là các dịch vụ logistics - vẫn gia tăng.
Số liệu từ Cục Hàng hải Việt Nam công bố trong 11 tháng năm 2021, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam ước đạt 647 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, mặc dù một số cảng biển lớn khu vực phía nam chịu tác động mạnh của dịch bệnh nhưng tổng khối lượng hàng container qua cảng biển cả nước vẫn duy trì mức tăng trưởng tích cực, ước đạt hơn 22 triệu TEU, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, kết quả khảo sát chỉ ra rằng 80% số doanh nghiệp đạt được tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong năm nay so với năm 2020, thậm chí 83% số doanh nghiệp còn ghi nhận tăng trưởng so với năm 2019 - thời điểm trước đại dịch.
Các doanh nghiệp logistics vẫn tăng trưởng tốt trong năm 2021 |
ngọc dương |
Tuy nhiên ngành logistics có sự phân hóa nhất định. Việt Nam hiện có khoảng 4.000 - 4.500 doanh nghiệp cung cấp logistics trực tiếp và có đến hơn 30.000 công ty liên quan. Các đợt bùng phát dịch liên tiếp đã bào mòn sức chống chịu của đại bộ phận doanh nghiệp logistics, chủ yếu nằm ở nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ - bộ phận chiếm hơn 90% số doanh nghiệp toàn ngành. Trong khi đó, tác động tiêu cực đối với những doanh nghiệp lớn được hạn chế bớt nhờ vị thế thị trường và nền tảng vốn vững chắc. Không những vậy, sự rút lui của một bộ phận doanh nghiệp vừa và nhỏ còn tạo cơ hội cho nhóm doanh nghiệp lớn gia tăng thị phần.Thực tế, báo cáo tài chính của 34 doanh nghiệp logistics niêm yết trên sàn chứng khoán, kết thúc quý 3/2021, nhóm hỗ trợ vận tải (giao nhận, kho bãi, dịch vụ logistics bên thứ 3, thứ 4; chuyển phát nhanh, giao hàng chặng cuối…) ghi nhận kết quả tích cực hơn hẳn nhóm vận tải hàng hóa và khai thác cảng.
Theo đánh giá của UNCTAD, năm 2022 vẫn sẽ là một năm bất định đối với thương mại toàn cầu, theo đó, triển vọng ngành logistics toàn cầu trong năm tới vẫn còn là một ẩn số. Dẫu vậy, logistics vẫn là lĩnh vực đang thu hút đầu tư mạnh tại Việt Nam và dự báo sẽ tăng trưởng vượt trội nhờ các ngành công nghiệp phụ trợ, chế tạo ô tô, linh kiện điện tử và chính sách đầu tư của Nhà nước vào các vùng kinh tế trọng điểm. Đòn bẩy thúc đẩy logistics còn đến từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Điểm sáng nổi bật nhất của ngành chính là hoạt động chuyển phát nhanh, giao hàng chặng cuối (last mile delivery), đặc biệt đối với các nhà bán lẻ trong hoạt động thương mại điện tử (e-commerce) và tiếp thị đa kênh (omni-channel).
Bên cạnh đó, động lực tăng trưởng ngành logistics còn đến từ quá trình chuyển đổi số. Khảo sát của Vietnam Report cho thấy, 100% số doanh nghiệp logistics đã gia tăng đầu tư cho chuyển đổi số trong một năm trở lại đây, trong đó, 86% số doanh nghiệp kỳ vọng việc ứng dụng công nghệ, số hóa và chuyển đổi số; 36% số doanh nghiệp tin rằng việc đưa công nghệ vào hành trình logistics sẽ nâng cao trải nghiệm của khách hàng toàn cầu…
Bình luận (0)