Ngày 28.7, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp hội đồng thẩm định Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Báo cáo của đơn vị tư vấn cho biết, khả năng tiếp cận tới bệnh viện T.Ư ở một số vùng kinh tế - xã hội rất thấp như vùng Tây nguyên không có bệnh viện T.Ư, đồng bằng sông Cửu Long có 14 tỉnh nhưng chỉ có 1 bệnh viện T.Ư.
Năng lực của một số bệnh viện tuyến tỉnh còn hạn chế khi có khoảng 1/3 bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện T.Ư có thể điều trị tại tuyến tỉnh. Đặc biệt, 80% bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại bệnh viện T.Ư không tin tưởng chất lượng dịch vụ y tế ở tuyến dưới.
Hiện chỉ có 32,8% trung tâm y tế, bệnh viện huyện, 27,6% trạm y tế xã thực hiện được trên 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến chuyên môn.
Quy hoạch đề xuất nâng cấp, đầu tư một số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh đảm nhận chức năng vùng gồm 20 bệnh viện đa khoa, bổ sung 7 bệnh viện đa khoa mới ở vùng có địa bàn rộng, khó khăn trong tiếp cận bệnh viện tuyến T.Ư (trung du và miền núi phía bắc) và vùng có mật độ dân số cao (đồng bằng sông Hồng, Đông Nam bộ), 20 bệnh viện chuyên khoa.
Bên cạnh đó, 5 bệnh viện hạng đặc biệt sẽ được nâng cấp thành bệnh viện hiện đại ngang tầm một số nước trong khu vực và quốc tế để giảm số người Việt Nam phải ra nước ngoài, thu hút người nước ngoài đến khám chữa bệnh tại Việt Nam.
Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2025, cả nước cứ trên 10.000 dân có 35 giường bệnh, 15 bác sĩ, 3,4 dược sĩ đại học, 25 điều dưỡng; đến năm 2030 là 35 giường bệnh, 19 bác sĩ, 4 dược sĩ đại học, 33 điều dưỡng; năm 2050 là 45 giường bệnh, 35 bác sĩ, 4,5 dược sĩ đại học, 90 điều dưỡng.
Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch là người dân được tiếp cận thuận lợi tới các dịch vụ y tế, bao gồm cả chuyên sâu và cơ bản; có sự kết nối giữa mạng lưới cơ sở y tế quốc gia với mạng lưới cơ sở y tế địa phương, kết nối với khu vực và quốc tế.
Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, sau đại dịch Covid-19 làm bộc lộ không ít bất cập, hạn chế của mạng lưới cơ sở y tế trước đây, nhất là trong lĩnh vực y tế dự phòng, y tế tuyến cơ sở, chăm sóc sức khoẻ ban đầu, y học cổ truyền…
Vì thế, quy hoạch cần bao trùm hệ thống cơ sở y tế chuyên khoa, chuyên sâu, mạng lưới kiểm định, kiểm chuẩn thuốc, mỹ phẩm, thậm chí cả hoạt động bảo quản, vận chuyển, phân phối thuốc…
Đồng thời, chỉ rõ những lĩnh vực thiết yếu cơ bản, những lĩnh vực mới cần tập trung phát triển trong tương lai như các bệnh viện, nghiên cứu khoa học, đào tạo kỹ thuật chuyên sâu...
Phó thủ tướng cũng nêu rõ, không cào bằng trong phát triển mạng lưới cơ sở y tế mà phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, địa lý tự nhiên của từng vùng, từng địa phương. Đơn cử, những khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đi lại không thuận lợi, nhà nước phải đầu tư hệ thống cơ sở y tế đầy đủ, đồng bộ, hỗ trợ lẫn nhau giữa các tuyến khác với các thành phố, đô thị lớn, vùng nông thôn có nhiều cơ sở công lập, ngoài công lập, giao thông thuận tiện.
Nhấn mạnh vai trò ngày càng lớn của khu vực y tế ngoài công lập, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cũng lưu ý quy hoạch phải tạo đột phá về cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ những cản trở hiện nay, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa xã hội hoá y tế, nhất là tại khu vực có trình độ phát triển, người dân có nhu cầu cao và khả năng chi trả các dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu.
Bình luận (0)