8X miền Tây làm bánh tráng mít để 'giải cứu' mít

06/04/2022 11:24 GMT+7

Chị Lý Thị Thảo (39 tuổi, ngụ tại TT.Ngã Sáu, H.Châu Thành, Hậu Giang) 'giải cứu' những trái mít khó tiêu thụ được bằng cách làm ra sản phẩm bánh tráng mít, được nhiều người ưa thích.

Thành công bất ngờ

Nói về cơ duyên làm bánh tráng mít, chị Thảo cho biết không khó để bắt gặp những vườn mít Thái rộng hàng chục hecta và các cơ sở vựa mít lớn ở H.Châu Thành (Hậu Giang). Tuy nhiên, trong những năm gần đây, giá mít Thái trồi sụt bấp bênh. Có lúc, giá tăng phi mã, giúp nông dân bội thu, song cũng có nhiều vụ liền giá tuột dốc không phanh khiến bà con điêu đứng. Chưa kể đến việc thương lái sàng lọc chất lượng mít khi mua. Đa phần, họ chỉ tuyển mít loại 1 (trái đẹp 9 kg trở lên) và loại 2 (trái đẹp từ 7 kg đến dưới 9 kg - PV).

Giữ được màu và hương đặc trưng của mít được xem là bí quyết thành công của sản phẩm bánh tráng mít

THANH DUY

“Mít rớt size (trái loại nhỏ, không đẹp - PV) thường bị bỏ lại, nông dân phải tự tìm cách tiêu thụ. Tìm đầu ra không được thì bỏ hoặc bán với giá rẻ cho người nuôi heo, nuôi bò. Sau hơn 4 tháng dày công chăm sóc, cảnh tượng như vậy ai thấy mà không xót. Điều đó thôi thúc hai chị em nhiều lần suy nghĩ rồi quyết định làm bánh tráng mít, nhằm tìm hướng đi cho loại nông sản này khi đầu ra trục trặc”, chị Nga chia sẻ.

Sản phẩm thành công trước hết là bởi sự kiên trì và quyết tâm theo đuổi ý tưởng. Chị Thảo làm việc tại trạm chăn nuôi và thú y H.Châu Thành (Hậu Giang). Suốt nhiều tuần, vào thứ bảy và chủ nhật, chị đều dành thời gian quây quần bên gian bếp để thổi lửa, làm bánh. Bản thân là "tay mơ", không có kinh nghiệm làm bánh dân gian nên khi tráng được mẻ bánh ưng ý đầu tiên thì chị Thảo rất hạnh phúc. “Trước đó, tôi đã nếm trái đắng thất bại nhiều lần lắm. Không biết bao nhiêu bột, bao nhiêu mít đổ sông, đổ bể”, chị Thảo nói.

Những vị khách đầu tiên là đồng nghiệp trong cơ quan chị Thảo và một số đơn vị lân cận. Phần vì sợ làm không đạt, phần vì muốn nghe ý kiến khách quan của mọi người nên khi mời dùng thử chị không dám nói tự làm. Điều bất ngờ là tất cả bánh mang đến mọi người đều ăn hết, khen ngon và hỏi địa chỉ cụ thể để đặt mua. “Khi biết tôi là chủ nhân món bánh, ai cũng ngỡ ngàng, thậm chí có người còn không tin. Nhiều nhận xét tích cực nên tôi quyết định làm bánh bán, đến nay đã gần 6 tháng”, chị Thảo bộc bạch.

Phát triển cơ sở, tạo việc làm cho nhiều người

Theo chị Thảo, bánh tráng mít hoàn toàn không dùng chất phụ gia, bảo quản. Hương vị, màu sắc đặc trưng của sản phẩm đều do thành phần tự nhiên từ trái mít quyết định. Thế nên, khâu lựa chọn nguyên liệu là vô cùng quan trọng, người làm bánh phải đến tận vườn tuyển chọn. Theo đó, mít cần tìm là loại chín cây để mùi hương "đạt đỉnh" thơm lừng, vị ngọt nồng nàn, màu vàng rực rỡ. Mít mang về tách lấy phần múi, bỏ xơ, sau đó đem xay nhuyễn rồi trộn với bột làm bánh.

Ý tưởng làm bánh tráng mít của chị Thảo (trái) góp phần tìm hướng đi mới khi mít Thái gặp trục trặc đầu ra

THANH DUY

Các công đoạn tráng bánh không khác với quy trình truyền thống, nhưng phức tạp là khâu cân bằng tỷ lệ thành phần giữa mít và bột. Chị Thảo bật mí: “Có thể lúc trộn hỗn hợp hương mít dậy lên rất hấp dẫn, màu sắc rất bắt mắt. Nhưng sau khi tráng qua bếp lửa, phơi dưới ánh nắng mặt trời nữa thì mùi sẽ bay và màu sẽ nhạt. Vì vậy, việc tăng, giảm nguyên liệu mít sao cho phù hợp để thành phẩm giữ được màu và hương đặc trưng của loại trái này được xem là bí quyết thành công”.

Ý tưởng làm bánh tráng mít từng đoạt giải 3 Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hậu Giang năm 2021. Sau nhiều tháng nghiên cứu thêm, chị Thảo tiếp tục tung ra thị trường nhiều sản phẩm, như: bánh phồng mít, bánh phồng tôm mít, bánh tráng nướng mít. Trung bình, mỗi tháng chị xuất bán hơn 3.000 cái bánh tráng các loại, sử dụng khoảng 300 kg mít nguyên liệu. Bánh tráng mít giá 45.000/bịch (10 cái), bánh phồng mít 50.000/bịch.

Chị Thảo cho biết, nhiều người tìm mua bánh tráng mít vì mới lạ. Đặc biệt, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, đơn hàng tăng gấp 2 - 3 lần ngày thường. Không chỉ khách hàng trong tỉnh mà các địa phương khác cũng biết đến sản phẩm. “Thậm chí, nhiều bà con còn chọn bánh tráng mít làm quà gửi tặng cho người thân ở nước ngoài. Họ nhận xét đây là sản phẩm mang hương vị đặc trưng của quê hương, xứ sở”, chị Thảo thông tin.

Nhu cầu khách hàng có nhiều nhưng số lượng nguồn cung còn hạn chế. Hiện tại, cơ sở làm bánh tráng mít của chị Thảo đã thành lập tổ hợp tác lấy tên Châu Anh với hơn 20 người tham gia. Việc đẩy mạnh sản xuất với số lượng nhiều đã tạo cơ hội việc làm cho người lao động địa phương có thêm thu nhập.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.