Theo Reuters, phiến quân ly khai ở vùng Papua của Indonesia ngày 16.4 tuyên bố hôm 15.4 họ đã hạ 9 quân nhân Indonesia đang thực hiện chiến dịch giải cứu phi công Phillip Mehrtens người New Zealand bị bắt cóc. Trong khi đó, quân đội Indonesia nói một binh sĩ thiệt mạng trong cuộc tấn công của các phiến quân ngày 15.4.
Vụ việc xảy ra sau khi Jakarta không trả lời yêu cầu đàm phán của các phiến quân.
Người phát ngôn Julius Widjojono của quân đội Indonesia ngày 16.4 cho biết các binh sĩ đã được triển khai đến một số địa điểm để tìm kiếm phi công Phillip Mehrtens của hãng Susi Air. Họ đã gặp khó khăn trong việc liên lạc do thời tiết xấu.
"Tính đến 14 giờ 03 phút ngày 16.4 (giờ địa phương), thông tin chúng tôi có là một người đã chết. Chúng tôi không nhận được bất kỳ thông tin nào khác vì rất khó tiếp cận khu vực, đặc biệt là với thời tiết không ổn định", ông Julius nói khi được yêu cầu xác nhận con số thương vong.
Ông Julius cho biết quân đội sẽ tăng cường hoạt động giải cứu phi công Mehrtens sau khi họ xác định được vị trí của ông, đồng thời nói rằng thời tiết thất thường đã khiến nỗ lực trở nên khó khăn.
Lực lượng Giải phóng Quốc gia Tây Papua (TPNPB), nhóm nổi dậy ly khai ở Papua, đã bắt cóc phi công người New Zealand hồi tháng 2. Nhóm này ban đầu yêu cầu Jakarta công nhận nền độc lập của khu vực. Tuy nhiên, trong tháng này, TPNPB cho biết họ sẵn sàng từ bỏ yêu cầu đó và muốn đối thoại.
"Chúng tôi đã yêu cầu chính phủ Indonesia và New Zealand trả tự do cho các con tin thông qua các cuộc đàm phán hòa bình", ông Sebby Sambom, phát ngôn viên của phiến quân cho biết trong một thông điệp ghi âm đưa ra ngày 16.4.
"Nhưng quân đội và cảnh sát Indonesia đã tấn công dân thường vào ngày 23.3. Do đó, TPNPB sẽ trả thù và mọi chuyện đã bắt đầu", ông Sambom nói, đồng thời cho biết thêm rằng giao tranh vẫn tiếp diễn vào ngày 16.4.
Người phát ngôn quân đội Indonesia ở Papua, ông Herman Taryaman, bác bỏ cáo buộc tấn công dân thường vào tháng 3. Ông Taryaman nói rằng lực lượng an ninh đang bảo vệ dân thường bị phiến quân xua đuổi.
Khu vực Papua giàu tài nguyên từng là thuộc địa của Hà Lan cho đến năm 1961, nhưng đã được sáp nhập vào Indonesia sau cuộc trưng cầu dân ý năm 1969 do Liên Hiệp Quốc giám sát. Cuộc bỏ phiếu bị chỉ trích vì chỉ có khoảng 1.000 người Papua tham gia bỏ phiếu.
Phong trào đòi độc lập đã sôi sục ở Papua kể từ đó. Kể từ năm 2018, phong trào này đã phát động các cuộc tấn công đẫm máu hơn và thường xuyên hơn.
Bình luận (0)