Theo chính phủ Indonesia, hiện nước này cần khoảng 500.000 tấn gạo để sử dụng vào mục đích bình ổn giá gạo, hỗ trợ gạo cho 21,53 triệu hộ nghèo và sử dụng cho các mục đích khác.
Mới đây, báo chí Indonesia dẫn lời người đứng đầu Cơ quan hậu cần quốc gia nước này (Bulog), ông Budi Waseso cho biết: Myanmar, Việt Nam, Thái Lan, Pakistan và Ấn Độ là những nguồn cung cho kế hoạch nhập khẩu 2 triệu tấn gạo mà nước này hướng đến. Các hợp đồng hợp tác với năm quốc gia đối tác sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn bằng cách xem xét nguồn cung cấp thực phẩm trong nước. Cho đến nay, các hợp đồng với 5 quốc gia vẫn đang được lên kế hoạch, thời gian vận chuyển từ các nước đối tác đến Indonesia có thể mất từ 10 - 15 ngày, tùy thuộc vào thời tiết.
Còn người đứng đầu Cơ quan Lương thực quốc gia (Bapanas) - cơ quan nhà nước hướng dẫn Bulog nhập khẩu gạo, cho biết Indonesia sẽ không nhập khẩu 2 triệu tấn gạo cùng một lúc mà theo từng giai đoạn, tùy thuộc vào nhu cầu nội địa, nguồn cung và giá cả.
Phản ứng trước thông tin trên, tuần qua giá gạo trên thị trường châu Á đã tăng mạnh. Theo Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA), so với cuối tháng 3 giá gạo thông dụng 5% tấm tăng 15 USD lên 505 USD/tấn. Các loại gạo thơm như Jasmine tăng 23 USD lên 681 USD/tấn. Gạo cao cấp như Hom Mali cũng tăng 20 - 25 USD lên 878 - 1.090 USD/tấn, tùy loại.
Tương tự, theo thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm của VN cũng tăng khoảng 25 USD lên mức 473 USD/tấn, mức đỉnh vào thời điểm đầu tháng 2.2023. Tương tự, gạo của Pakistan tăng 30 USD lên 483 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo Ấn Độ chưa có phản ứng với thông tin trên, giá gạo 5% tấm nước này duy trì mức 432 USD/tấn.
Bình luận (0)