Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc nhờ đâu tăng mạnh cả lượng và giá?

Chí Nhân
Chí Nhân
14/03/2023 15:37 GMT+7

Xuất khẩu gạo vào một trong những thị trường chính là Trung Quốc tăng trưởng trên 182% về kim ngạch, nhờ tăng mạnh cả lượng và giá.

Cụ thể, theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 2.2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị Trung Quốc lên tới trên 105.000 tấn, đạt giá trị gần 62 triệu USD tăng 134% về lượng và 182% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc nhờ đâu tăng mạnh cả lượng và giá? - Ảnh 1.

Xuất khẩu gạo vào thị trường Trung Quốc tăng mạnh cả về lượng và giá

ĐÀO NGỌC THẠCH

Theo các doanh nghiệp, tháng 12.2022 Trung Quốc chỉ nhập khẩu 43.000 tấn gạo, trị giá gần 24 triệu USD và đứng ở vị trí thứ 3 sau Indonesia và Philippines; nhưng ngay khi Trung Quốc mở cửa trở lại vào 8.1, các thương nhân nước này đã tăng nhập khẩu. Nhiều khả năng, Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu gạo trong năm 2023 do chính sách "zero Covid" khiến nguồn cung gạo của thị trường này sụt giảm trong năm 2022. Đây cũng là năm mà Trung Quốc đối mặt với tình trạng khô hạn nghiêm trọng ở nhiều nơi, ảnh hưởng đến nguồn cung lương thực nội địa. Hiện các mô hình dự báo thời tiết uy tín trên thế giới đều cho rằng, thời tiết đang ở tình thái trung tính và chuẩn bị chuyển sang trạng thái El Nino (khô hạn) trong nửa cuối năm 2023, ảnh hưởng đến sản lượng lương thực của các nước châu Á, đặc biệt Đông Nam Á. Những yếu tố này khiến các thương nhân Trung Quốc cũng như nhiều nước khác sẽ tiếp tục thu mua lúa gạo trong thời gian tới.

Trong tháng 2, cả nước xuất khẩu gần 535.000 tấn gạo, tương đương 286 triệu USD; so với cùng kỳ năm 2022 tăng 14% về lượng và 28% về giá trị. Đáng chú ý, trong tháng 2 giá gạo xuất khẩu cũng cao nhất trong gần 2 năm qua với mức tăng 14,4%. Lũy kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt hơn 893.000 tấn, trị giá 472 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước giảm 8% về lượng nhưng tăng 1% về trị giá. Giá xuất khẩu trung bình đạt 528,9 USD/tấn, tăng 9,8%.

Trong 2 tháng qua, Philippines vẫn là khách hàng tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam, đạt gần 402.000 tấn, trị giá 205 triệu USD, giảm 25,5% về lượng và giảm 18% về kim ngạch. Trung Quốc mua 152.640 tấn, tương đương 90 triệu USD, tăng mạnh 86% về lượng và tăng 120% kim ngạch. Indonesia đứng thứ 3 với 144.000 tấn, tương đương 67 triệu USD, tăng mạnh về lượng và giá trị.

Xét về giá gạo xuất khẩu bình quân của 3 thị trường này trong 2 tháng đầu năm thì Trung Quốc đứng đầu với mức 589,7 USD/tấn (tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2022); Philippines đạt 509,2 USD/tấn (tăng 9,7%); Indonesia đạt 468 USD/tấn (giảm 10%). Theo các doanh nghiệp, hiện khách hàng Trung Quốc đã trở nên khó tính, chủ yếu nhập khẩu từ Việt Nam các sản phẩm cao cấp như gạo thơmgạo nếp. Đó là lý do khiến giá gạo xuất khẩu bình quân vào thị trường này tăng mạnh. Bên cạnh đó, các loại gạo phổ thông và tấm của Việt Nam giá khá cao nên các thương nhân Trung Quốc chuyển sang các nguồn cung khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.