'Cơn sốt' giá sầu riêng hạ nhiệt

Chí Nhân
Chí Nhân
13/03/2023 06:31 GMT+7

"Cơn sốt" giá sầu riêng đang hạ nhiệt khá nhanh trong những ngày đầu tháng 3 với mức giảm từ 70.000 - 100.000 đồng/kg.

Nhưng trái với lo ngại của nhiều người, các chuyên gia và cả nhà quản lý đều cho rằng việc này mang ý nghĩa tích cực cho cả người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Giảm mạnh nhưng nông dân vẫn có lãi

Ngày 12.3, khảo sát tại một số siêu thị, cửa hàng và chợ truyền thống ở TP.HCM vẫn rất khó tìm được sản phẩm sầu riêng. Phần lớn các cửa hàng chuyên kinh doanh trái cây cao cấp đều thông báo "chưa có hàng", một số nơi giới thiệu sầu riêng đông lạnh nhập khẩu với giá 400.000 - 500.000 đồng/khay (450 gr). Muốn mua sầu riêng tươi, phải tìm đến một vài hệ thống siêu thị nhưng giá cũng khá cao. Sầu riêng Ri 6 có giá 139.000 đồng/kg, loại bỏ vỏ có giá 439.000 đồng/khay (500 gr). Một vài sạp chuyên kinh doanh sầu riêng trên đường Nguyễn Tri Phương (Q.5) chào giá từ 160.000 - 180.000 đồng/kg, tùy loại. 

Một vài quầy sạp ở chợ truyền thống bắt đầu xuất hiện sầu riêng với giá khoảng 120.000 - 150.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hầu như sầu riêng tươi đang được bán ở thị trường TP.HCM đều là hàng không đủ chuẩn xuất khẩu, có thể dễ dàng nhận thấy qua màu sắc, kích cỡ, hình dáng… Chị Trần Minh Ngọc, ngụ Q.5 (TP.HCM), là "fan cuồng" của sầu riêng, nhận xét bỏ tiền mua một trái tốn gần cả triệu đồng thì không phù hợp, nhất là khi sản phẩm không đẹp như mong muốn. "Sầu riêng nội địa hiện có thể là loại 3 - 4 chứ không phải hàng loại 2 nữa", chị Ngọc nhận xét.

'Cơn sốt' giá sầu riêng hạ nhiệt - Ảnh 1.

Giá sầu riêng xuất khẩu đang hạ nhiệt

ĐÀO NGỌC THẠCH

Tại ĐBSCL, nhiều vườn sầu riêng bắt đầu vào vụ thu hoạch. Theo các doanh nghiệp và chuyên gia, khoảng 2 - 3 tuần nữa sẽ vào chính vụ thu hoạch sầu riêng ở các tỉnh miền Tây, nhưng từ đầu tháng 3 đến nay giá sầu riêng đã bắt đầu giảm mạnh. Bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre), cho biết giá hiện tại chỉ còn 65.000 - 80.000 đồng/kg tùy loại. "Xu hướng sắp tới giá sẽ tiếp tục giảm do cả VN và Thái Lan đang vào vụ thu hoạch. Với giá hiện tại, bà con nông dân vẫn có lãi", bà Vy khẳng định.

Trong khi đó, tại "vựa sầu riêng" của miền Tây là Tiền Giang, ông Lê Minh Tâm, Công ty TNHH Thương mại Nông sản Thiện Tâm, thừa nhận lúc sốt giá phải tạm ngưng hoạt động thu mua xuất khẩu vì rủi ro rất cao. Sau đó, giá bắt đầu bình ổn trở lại và dao động nhẹ theo quy luật bình

thường của thị trường. Hiện sầu riêng Ri 6 khoảng 80.000 đồng/kg, Monthong 100.000 đồng/kg. So với lúc cao điểm, giá sầu riêng đã giảm từ 70.000 - 100.000 đồng/kg. "Hiện nay mới đầu vụ, khoảng 15 ngày nữa sẽ vào chính vụ thu hoạch giá chắc chắn sẽ giảm thêm. Chưa kể Thái Lan cũng bắt đầu vào vụ dẫn đến nguồn cung dồi dào khiến giá giảm thêm. Giá bình thường của những năm trước 40.000 - 60.000 đồng/kg, nông dân vẫn có lãi. Giá hiện tại dù đã giảm nhưng vẫn đang cao hơn các năm trước khoảng 20.000 đồng/kg", ông Tâm cho biết.

Theo các doanh nghiệp và chuyên gia, giá sầu riêng tăng lên gần 200.000 đồng/kg là "không thực tế" nên sau đó đã giảm nhanh về giá trị thực là điều tất yếu. Với mức giá hiện tại, nông dân có lãi, người tiêu dùng cũng dễ tiếp cận, còn doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng yên tâm hoạt động. Mặt khác, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả VN, khuyến cáo: "Giá sầu riêng giảm khi mới vào đầu mùa vụ thu hoạch là do một số vườn sầu riêng vụ nghịch không có mã số vùng trồng được cấp phép nên không xuất khẩu được. Đây chính là điều mà người trồng và muốn mở rộng diện tích trồng sầu riêng cần lưu ý vì không có mã số để xuất khẩu dù vụ nghịch hay đầu vụ thì giá vẫn thấp".

'Cơn sốt' giá sầu riêng hạ nhiệt - Ảnh 2.

Thị trường TP.HCM vẫn khan hiếm mặt hàng sầu riêng loại 1

Chí Nhân

Đầu tư vào chất lượng, chế biến, thương hiệu

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), nhận định: "Giá sầu riêng chỉ sốt trong một giai đoạn ngắn vào thời điểm vụ nghịch ở các tỉnh ĐBSCL chứ không phản ánh đúng giá trị thực. Thế nên việc giá sầu riêng hạ nhiệt là đúng quy luật thị trường khi mà nguồn cung tăng". Theo ông Cường, trước cơn sốt giá sầu riêng, Cục cũng ra văn bản cảnh báo nguy cơ cung vượt cầu, ảnh hưởng đến năng suất chất lượng khi phát triển ở những nơi không phù hợp. Tuy nhiên "làn sóng" trồng sầu riêng vẫn không có dấu hiệu dừng lại. Vì vậy, việc giá sầu riêng trở về giá trị thực vào thời điểm này cũng là yếu tố tích cực để người dân có thể bình tĩnh hơn, tránh cuốn vào vòng xoáy "mở rộng diện tích sầu riêng". 

"Mới đây Trung Quốc cấp thêm 163 mã số vùng trồng. Các cơ quan chức năng của Bộ đang xác định lại số diện tích này. Hiện nay số diện tích được cấp mã số vẫn còn rất ít so với diện tích trồng sầu riêng nên người dân cần lưu ý", ông Cường khuyến cáo.

"Trên thế giới, khi nói đến sầu riêng Malaysia người ta nghĩ tới Musang King, Thái Lan là Monthong, còn sầu riêng VN thì rất ít người biết. Vì vậy, rất cần tập trung vào chất lượng, thương hiệu và chế biến. Sắp tới, khi khách du lịch Trung Quốc quay trở lại VN là cơ hội rất tốt để quảng bá sản phẩm sầu riêng của VN cũng như cơ hội tăng xuất khẩu tại chỗ".

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả VN

Tự nhận không phải là nhà khoa học mà chỉ là người làm thương mại, ông Đặng Phúc Nguyên lo ngại rằng khuyến cáo của ngành nông nghiệp còn quá chung chung nên người dân khó biết được chỗ nào nên trồng, chỗ nào không. Sầu riêng cùng với thanh long, chuối… là những mặt hàng xuất khẩu tỉ USD, là sản phẩm chiến lược quốc gia nên cần có những quy hoạch và chiến lược phát triển xứng tầm. Nếu người dân cứ trồng ở những nơi không phù hợp điều kiện tự nhiên thì bắt buộc phải sử dụng phân thuốc nhiều hơn. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sản lượng, chất lượng và uy tín của sầu riêng VN. Quan trọng hơn là nó đi ngược với xu hướng tiêu dùng sản phẩm sạch của khách hàng. Chính vì vậy, phải quản lý chặt hơn về chất lượng và kết hợp xây dựng thương hiệu để tăng tính cạnh tranh.

TS Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp - Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), nhìn nhận: Giá sầu riêng ở mức cao nên việc nông dân ồ ạt chặt bỏ các loại cây khác để trồng sầu riêng là điều dễ hiểu. Nhưng một nông sản để có thể phát triển bền vững cần phải bắt đúng xu hướng của ngành thực phẩm thế giới. Đó là có sự độc đáo, tính độc quyền, chuỗi giá trị đa dạng, thị trường ổn định, khả năng bảo quản cao, năng lực chế biến sâu phải vượt trội. VN đi sau Thái Lan hàng chục năm nên việc cạnh tranh thương mại với Thái là khó, ngay cả khi thị trường ngách được duy trì ổn định. Người Thái cũng chế biến đủ loại sản phẩm từ sầu riêng như: kem, bánh, snack cho đến chè, trong khi chuỗi giá trị của VN khá đơn giản. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ sầu riêng rất khó đoán do xu hướng tiêu thụ thực phẩm lành mạnh (healthy) ngày càng tăng trong khi người tiêu dùng giảm nhu cầu tiêu thụ các trái cây nhiệt đới với hàm lượng đường cao. 

"Ở VN sản phẩm bánh pía có sử dụng nguyên liệu sầu riêng khá nhiều và lượng tiêu thụ loại bánh này khá cao, các nhà sản xuất có thể nghiên cứu và bắt đầu từ đây cho các mặt hàng bánh kẹo có sử dụng nguyên liệu sầu riêng VN", TS Hoàng gợi mở.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.