Ngày 30.3, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam đã tăng 20 USD/tấn từ mức 448 USD lên 468 USD/tấn. Tương tự, trong ngày hôm nay, các nhà xuất khẩu của Thái Lan cũng điều chỉnh giá gạo cùng phẩm cấp từ 477 USD lên 490 USD/tấn, tăng 13 USD. Các mặt hàng khác tăng từ 3 - 5 USD/tấn. Nguyên nhân giá gạo 5% tấm tăng mạnh vì đây là mặt hàng Indonesia tập trung nhập khẩu để đảm bảo kho dự trữ. Trong khi Việt Nam và Thái Lan lại không có thế mạnh về mặt hàng này.
Hiện tại, ngoài Việt Nam và Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan chưa có động thái điều chỉnh giá. Như vậy, thị trường gạo Việt Nam và Thái Lan đã phản ứng nhanh hơn so với các dự báo trước đó. Ngày 29.3, một số doanh nghiệp dự báo thị trường gạo Việt Nam sẽ tăng giá trong tháng 4 nhờ nhu cầu lớn từ Indonesia.
Mới đây, Bộ Thương mại Indonesia cho biết nước này sẽ nhập khẩu 2 triệu tấn gạo trong năm 2023 để phục vụ nhu cầu tiêu dùng và dự trữ. Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam, ngoài thị trường Philippines có nhu cầu ổn định khoảng 3 triệu tấn từ Việt Nam thì con số 2 triệu tấn của Indonesia sẽ khiến nhu cầu tiêu thụ gạo trong năm nay tăng mạnh.
Theo số liệu thống kê của Bộ NN-PTNT, xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2023 tuy giảm 19,3% về khối lượng nhưng tăng 30% về giá trị so với cùng kỳ 2022. Giá gạo xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2023 ước đạt 531 USD/tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ 2022. Xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm nay nhờ thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại. Hiện nay, thị trường này tiêu thụ mạnh các sản phẩm gạo thơm, chất lượng cao và nếp.
Bình luận (0)