Gạo Việt đi Trung Quốc đang khó, nay đã có Indonesia

Chí Nhân
Chí Nhân
29/03/2023 14:31 GMT+7

Thông tin Indonesia tuyên bố sẽ nhập khẩu 2 triệu tấn gạo trong năm 2023 khiến thị trường gạo nội địa Việt Nam thêm lạc quan.

Nhu cầu lớn từ Indonesia

Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cho biết: Ngày 27.3, sau cuộc họp do Tổng thống Joko Widodo chủ trì bàn thảo về đảm bảo lương thực, thực phẩm, Bộ Thương mại Indonesia công bố thông tin nước này sẽ nhập khẩu 2 triệu tấn gạo trong năm 2023.

Gạo đi Trung Quốc đang khó, nay đã có Indonesia - Ảnh 1.

Giá lúa gạo ở ĐBSCL quay đầu tăng giá

ĐÀO NGỌC THẠCH

Theo tính toán, lượng gạo thu mua dự trữ của Indonesia trong năm 2023 sẽ lên 2,4 triệu tấn thay vì khoảng 1,2 triệu tấn như kế hoạch ban đầu. Cũng theo kế hoạch ban đầu, phần lớn dựa vào việc thu mua từ nguồn cung nội địa. Nhưng tình hình thu mua gạo dự trữ trong nước hiện đang gặp rất nhiều khó khăn mặc dù nước này đang ở vụ thu hoạch chính. Vì thế, nước này phải chuyển kế hoạch từ thu mua nội địa sang nhập khẩu gạo để đảm bảo kho dự trữ.

Thương vụ Việt Nam tại Indonesia khuyến cáo đến các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp đã và đang cung cấp gạo dự trữ quốc gia cho Indonesia cần chủ động sớm tiếp cận Cơ quan dịch vụ hậu cần quốc gia Indonesia (Preum Bulog) để quảng bá sản phẩm của mình.

Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, trong 2 tháng đầu năm, Indonesia là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ 3 sau Philippines và Trung Quốc.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đề nghị các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo chủ động theo dõi sát tình hình thị trường, đánh giá đẩy đủ các cơ hội cũng như rủi ro để xây dựng phương án giao dịch, ký kết hợp đồng phù hợp, đảm bảo hiệu quả xuất khẩu và góp phần tiêu thụ hết thóc, gạo hàng hóa cho người nông dân với giá có lợi. Bên cạnh đó, lưu ý phương án phòng ngừa các rủi ro về giá cả, thanh toán và giao hàng trong bối cảnh tình hình thương mại thế giới đang có nhiều biến động.

Giá gạo sẽ sớm tăng trở lại

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo ở các tỉnh phía nam thông tin, trong hai tháng đầu năm nay, thương nhân Trung Quốc tăng nhập khẩu gạo. Tuy nhiên, trong tháng 3, khi Việt Nam vào vụ thu hoạch, thương nhân Trung Quốc bắt đầu giảm mua để muốn chờ giá tốt hơn. Đó là lý do vì sao trong thời gian gần đây, giá gạo nội địa và xuất khẩu giảm so với tháng 2.

Gạo đi Trung Quốc đang khó, nay đã có Indonesia - Ảnh 2.

Giá gạo xuất khẩu sẽ sớm tăng trở lại trong tháng 4 nhờ tín hiệu tích cực từ thị trường Indonesia

ĐÀO NGỌC THẠCH

Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang) nhận xét: Thị trường Trung Quốc thời gian qua "ăn" gạo chất lượng cao, chủ yếu là các loại ST 21 và ST 24. Tuy nhiên gần đây, giá bán của Việt Nam khá cao nên hai bên chưa ký được hợp đồng. Cụ thể, ST 24 bán 690 USD/tấn, nhưng trả giá xuống khoảng 650 - 660 USD/tấn; còn ST 21 chào 620 - 630 USD/tấn nhưng họ chỉ muốn mua khoảng 590 USD/tấn. Điều này khiến thị trường tháng này không được sôi động như tháng trước. Bên cạnh đó, ĐBSCL đang vào chính vụ thu hoạch, sản lượng nhiều nên giá lúa gạo nội địa giảm.

Tuy nhiên, những ngày cuối tháng 3, thị trường lúa gạo nội địa đã khởi sắc trở lại, với mức tăng từ vài chục đến vài trăm đồng mỗi ký tùy loại. Theo một số doanh nghiệp, nguyên nhân là nhờ nhu cầu cao từ những khách hàng lớn như Indonesia và Philippines.

"Với việc Indonesia tuyên bố nhập khẩu 2 triệu tấn gạo sẽ khiến thị trường lúa gạo Việt Nam và thế giới sớm sôi động trở lại. Theo tôi, khoảng giữa tháng 4.2023 giá gạo xuất khẩu sẽ tăng trở lại. Thực tế thì Indonesia họ mua gạo tạm trữ, phân khúc này Việt Nam mình không có nguồn cung nhiều. Nhưng bên cạnh đó, họ cũng nhập nhiều các sản phẩm gạo ở phân khúc thương mại giống IR 5451 - với giá khoảng 520 USD/tấn. Phân khúc này chúng ta có lượng hàng phong phú và giá cạnh tranh. Vấn đề quan trọng hơn chính là tâm lý thị trường sẽ thay đổi và các nhà nhập khẩu khác cũng sẽ vào cuộc thu mua", ông Đôn nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.