Trong những ngày qua, loạt bài Có nên cho con mang tiền đi học của Báo Thanh Niên nhận được đông đảo ý kiến của giáo viên, phụ huynh, học sinh quan tâm.
50% học sinh từ lớp 1 tới lớp 5 được cha mẹ cho mang tiền
Sáng 9.9, chia sẻ thông tin với phóng viên Thanh Niên, tiến sĩ Nguyễn Minh Giang, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết bà vừa thực hiện công trình nghiên cứu về Biện pháp giáo dục tài chính cho học sinh tiểu học (sẽ nghiệm thu tháng 11.2019). Trong công trình này có một khảo sát học sinh và phụ huynh một số trường tiểu học tại TP.HCM về việc cho con mang tiền đi học ra sao.
“Chúng tôi thực hiện khảo sát này từ tháng 1 tới tháng 4.2019 trong tổng số 10 trường tiểu học tại các quận, huyện của TP.HCM. Mỗi trường học, chúng tôi khảo sát 1 lớp/khối, từ lớp 1 tới lớp 5. Một số kết quả nổi bật là có 50% số học sinh từ lớp 1 tới lớp 5 được cha mẹ cho mang tiền đi học. Và số học sinh được cho mang tiền đi học tăng lên theo độ tuổi. Có khoảng 97% số học sinh lớp 5 được hỏi trả lời được cha mẹ cho mang tiền tới lớp”, tiến sĩ Nguyễn Minh Giang cho biết.
Nữ tiến sĩ cũng cho biết, con số 97% này không khiến bà ngạc nhiên. “7 năm trước, khi con của tôi học lớp 2, đầu tiên tôi cũng áp dụng là không cho con mang tiền đi học, sợ con mua quà bánh hay đồ chơi không an toàn ở cổng trường. Nhưng sau đó, một lần tôi phát hiện con đã lấy trộm tiền của tôi. Tôi hỏi thì con nói, bạn con ai ai cũng được cho tiền đi học, các bạn mua rất nhiều quà bánh và luôn cho con. Con không thể ngày nào cũng nhận đồ ăn của các bạn mà không mua gì đó để mời lại các bạn được. Tôi vẫn nhớ hình phạt dành cho con là 2 tiếng đồng hồ đứng úp mặt vào tường sau lần đó”, tiến sĩ Giang kể lại.
Đó cũng là một bước ngoặt, khiến tiến sĩ Giang tự nói với bản thân phải xem lại cách giáo dục con mình, từ việc nên cho con mang tiền đi học không, và dạy con quản lý tiền bạc ra sao.
|
Không thể cấm phụ huynh cho con mang tiền đi học
Theo tiến sĩ đang là giảng viên khoa giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chúng ta không thể cấm đoán các phụ huynh không cho con họ tiền mang đi học. Nhưng cái chúng ta cần là dạy trẻ biết cách sử dụng tiền, quản lý tiền đúng cách ra sao.
“Công trình nghiên cứu này, chúng tôi đã xây dựng được hệ thống các nội dung để dạy kỹ năng quản lý tài chính cho học sinh tiểu học. Một cách hiệu quả là chúng ta giảng dạy những nội dung này lồng ghép vào nhiều môn học, có rất nhiều môn học từ toán, tự nhiên và xã hội, đạo đức, hoạt động trải nghiệm ,… có thể dạy trẻ những điều này. Chúng tôi cũng nghĩ tới những cách như có thể mời một số nhân sự làm việc tại các ngân hàng, cùng tới nói chuyện với trẻ về những câu chuyện sử dụng tiền ra sao, tiết kiệm tiền như thế nào…”, tiến sĩ Giang trao đổi.
Nhận thức về tài chính quan trọng với mọi lứa tuổiTrả lời phỏng vấn báo Thanh Niên, ông Dmitry Mosolov - Tổng giám đốc Công ty tài chính Home Credit Việt Nam - cho biết việc giáo dục, nâng cao nhận thức về tài chính là vô cùng cần thiết và quan trọng với mọi lứa tuổi, kể cả các em học sinh, ngay từ lứa tuổi tiểu học đến trung học phổ thông. “Được tiếp cận và giáo dục kiến thức tài chính một cách đầy đủ giúp các em có một nhận thức đúng đắn, cũng như có trách nhiệm về tài chính cá nhân của chính các em khi trưởng thành”, ông Dmitry Mosolov nói.
Cũng theo ông Dmitry Mosolov, ở một vài nước thuộc châu Âu và châu Á, đơn vị đã triển khai nhiều dự án nhằm phổ biến và cung cấp kiến thức tài chính dành cho các em nhỏ, ví dụ như việc phát hành rộng rãi cuốn sách “Kids and Money” (trẻ em và tiền bạc). Với những định nghĩa ngắn gọn, được thể hiện trực quan sinh động, cuốn sách dành cho trẻ em và cả các bậc phụ huynh, giúp cha mẹ có thể trò chuyện với con về chủ đề tiền bạc và nuôi dưỡng trách nhiệm về tài chính của con ngay từ thuở nhỏ. Cuốn sách được biên soạn bởi các chuyên gia về giáo dục và dựa theo tiêu chuẩn về kiến thức tài chính của Ngân hàng Thế giới, G-20 và các tổ chức chuyên gia khác.
“Tại Việt Nam, sau một thời gian nghiên cứu thị trường và nhận thấy tầm quan trọng của việc giáo dục kiến thức tài chính ngay từ lứa tuổi học đường, chúng tôi cũng sẽ sớm triển khai những hoạt động giáo dục phù hợp hướng tới các em nhỏ, để phụ huynh có thêm những câu trả lời cho băn khoăn, có nên cho con mang tiền đi học hay không”, ông Dmitry Mosolov cho biết.
|
Để cùng bàn luận thêm về vấn đề “Có nên cho con mang tiền đi học?”, Thanh Niên Online rất mong nhận được những bài viết, chia sẻ từ các phụ huynh, giáo viên, chuyên gia... về chủ đề này. Bài viết của quý bạn đọc có thể gửi về địa chỉ thanhniengiaoduc@thanhnien.vn. Các bài viết được đăng tải trên Thanh Niên Online sẽ được chi trả nhuận bút theo quy định của báo.
|
Bình luận (0)