(TNO) Ngày 10.9, bà Phan Thị Diệu Hà - Vụ phó Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương - cho biết, hiện có 99 doanh nghiệp được Bộ Công thương cấp giấy phép kinh doanh và xuất khẩu gạo trong vòng 5 năm.
Theo bà Hà, đến cuối tháng 8.2012, Vụ Xuất nhập khẩu nhận được 219 hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận kinh doanh xuất khẩu gạo. Trong số đó, chỉ có 38 hồ sơ xin cấp giấy phép dài hạn trong vòng 5 năm, số còn lại là xin cấp giấy phép ngắn hạn, có hiệu lực trong vòng 1 năm.
|
Trước tình hình đó, Bộ Công thương đã cấp thêm 24 giấy phép kinh doanh xuất khẩu dài hạn thay thế cho những giấy chứng nhận có hiệu lực đến ngày 30.9.2012, nâng tổng số doanh nghiệp được xuất khẩu gạo trong vòng 5 năm lên con số 99.
Việc cấp giấy phép cho doanh nghiệp gạo hiện dựa theo quy định của Nghị định 109.
Mới đây, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương nên cấp giấy phép xuất khẩu gạo cho không quá 100 doanh nghiệp.
Ông Trương Thanh Phong - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) - cho biết việc giới hạn 100 doanh nghiệp xuất khẩu gạo là cần thiết, nhằm hạn chế việc cạnh tranh phá giá, gây bất lợi cho xuất khẩu gạo Việt Nam.
Tuy nhiên, trong số 99 doanh nghiệp được cấp phép dài hạn, có gần 20 doanh nghiệp chưa bao giờ tham gia xuất khẩu gạo, mà chỉ kinh doanh, buôn bán ở thị trường nội địa.
Theo quy định, trong vòng một năm, nếu không tham gia xuất khẩu, các doanh nghiệp này sẽ bị thu hồi giấy phép.
Mới đây, VFA đã kiểm tra một số doanh nghiệp được cấp giấy phép ở đồng bằng sông Cửu Long.
Qua đó, VFA phát hiện kho chứa của một số doanh nghiệp chưa đạt chuẩn và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đình Quân
>> Xúc tiến thành lập liên minh xuất khẩu gạo ASEAN
>> Xuất khẩu gạo Thái Lan lao đao
>> Đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang Nhật Bản và Hàn Quốc
>> Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc ẩn chứa nhiều rủi ro về thanh toán
>> Xuất khẩu gạo giảm mạnh
>> Chỉ 49/210 doanh nghiệp được phép xuất khẩu gạo
Bình luận (0)