Đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang Nhật Bản và Hàn Quốc

09/07/2012 16:01 GMT+7

(TNO) Trước tình hình xuất khẩu gạo hiện gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh phát triển sang hai thị trường tiềm năng khác là Nhật Bàn và Hàn Quốc.

Ông Nguyễn Trung Kiên - Tổng giám đốc Công ty Gentraco (Cần Thơ) - cho biết, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp trong nước đã trúng thầu xuất hơn 40.000 tấn gạo sang Hàn Quốc, riêng Gentraco đã trúng thầu 6.500 tấn gạo tấm và gạo lứt xuất sang thị trường này.

Theo ông Kiên, Hàn Quốc nhập khẩu phần lớn là gạo tấm và gạo lứt.

Vào thời điểm hiện tại, Hàn Quốc mua gạo tấm ở mức giá khoảng 340 USD/tấn và gạo lứt ở giá 430 USD/tấn.

 
Doanh nghiệp gạo cần tìm kiếm những thị trường mới - Ảnh: Đình Quân

Còn theo ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu An Giang (Angimex), Nhật Bản và Hàn Quốc được xem là hai thị trường tiềm năng mà doanh nghiệp cần đẩy mạnh thăm dò và tìm hiểu.

Riêng về thị trường Nhật, sau gần 5 năm không mua gạo của Việt Nam do lo ngại chất lượng, mới đây một số đối tác của nước này đã sang Việt Nam thăm dò thị trường, kiểm tra chất lượng gạo cũng như kho bãi.

Vừa qua, Angimex cũng đã liên doanh với Công ty Kitoku Shinryo (Nhật Bản) và xuất khẩu một số lô hàng chất lượng cao sang thị trường này, cũng theo lời ông Tiến cho biết.

Dù đánh giá đây là hai thị trường tiềm năng nhưng lo ngại nhất của doanh nghiệp là Hàn Quốc và Nhật Bản đều đưa ra yêu cầu quá cao về chất lượng. Hiện để xuất gạo sang Nhật Bản, doanh nghiệp phải vượt qua hơn 500 chỉ tiêu kiểm tra (chủ yếu kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu) do cơ quan kiểm soát chất lượng nước này đề ra. Còn Hàn Quốc cũng đề ra hơn 100 chỉ tiêu kiểm tra áp dụng đối với gạo nhập khẩu.

Chưa kể, hằng năm, hai nước này đều ưu tiên dành một lượng quota nhập khẩu gạo của một số nước nhưng trong đó không có Việt Nam.

Hiện tại, doanh nghiệp Việt Nam chỉ tham gia những gói đấu thầu xuất khẩu chung dành cho nhiều nước.

Về vấn đề chất lượng, ông Nguyễn Trung Kiên cho biết chỉ gặp khó đối với thị trường Nhật Bản, còn với Hàn Quốc thì doanh nghiệp dư sức đáp ứng nếu làm tốt bởi Hàn Quốc chỉ yêu cầu gạo nhập khẩu phải sạch, nghĩa là không có dư lượng thuốc trừ sâu cũng như côn trùng chứa mầm bệnh.

Ông Fred S.Kang đến từ Công ty Daewoo International - một trong ba công ty nhập khẩu gạo lớn nhất Hàn Quốc - cho rằng gạo Việt Nam chỉ cần cải thiện thêm một chút về chất lượng thì sẽ đủ tiêu chuẩn bán sang thị trường này.

Trước đây, gạo của Pakistan có chất lượng kém hơn Việt Nam. Tuy nhiên, nhờ sự hợp tác chặt chẽ của hai quốc gia này trong việc nâng cao chất lượng, đến nay, gạo của Pakistan đã được xuất sang thị trường Hàn Quốc.

Trao đổi với Thanh Niên Online, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết doanh nghiệp phải cố gắng tham gia đấu thầu vào phần hạn ngạch chung của hai nước này đề ra.

Từ đây đến cuối năm, với hai thị trường trên, Bộ Công thương vừa xúc tiến đàm phán ở cấp nhà nước, vừa khuyến khích doanh nghiệp đàm phán kiếm những hợp đồng thương mại.

Trung Hiếu

>> Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc ẩn chứa nhiều rủi ro về thanh toán
>> Xuất khẩu gạo giảm mạnh
>> Xuất khẩu gạo có thể đạt 4 tỉ USD
>> Chỉ 49/210 doanh nghiệp được phép xuất khẩu gạo
>> Tăng giá sàn xuất khẩu gạo
>> Khuyến cáo doanh nghiệp không ký hợp đồng xuất khẩu gạo giá thấp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.