Đầu tiên, họ không được trả tiền. Sau đó, họ bị sa thải. Có lúc, họ không có cả thức ăn tại khu trại bê tông với chất lượng sống tồi tàn trong cái nắng cháy da của sa mạc Ả Rập Xê Út, nơi họ bị bỏ rơi. Vật tư y tế thì đã cạn kiệt cách đây hai tháng.
Theo Bloomberg, đây là tình cảnh mà hàng ngàn lao động nước ngoài đang trải qua ở đất nước Trung Đông. Nhiều hãng xây dựng Ả Rập Xê Út gặp khó cùng đợt suy giảm kinh tế đất nước. Người lao động từ Nam Á đến quốc gia giàu dầu không biết họ phải chịu cảnh cực khổ này đến bao lâu.
“Họ không trả lời câu nào về tiền lương của chúng tôi. Sau khi họ trả lương và trợ cấp cho tôi, tôi sẽ đi”, Mohammed Salahaldeen, công nhân ống dẫn đến từ Bangladesh cho hay khi anh đang đứng trong trại lao động ở thủ đô Riyadh, do hãng xây dựng Saudi Oger xây thời còn sống khỏe.
Chính quyền Ả Rập Xê Út cắt giảm chi tiêu và hoãn thanh toán cho các nhà thầu vì đợt sụt giảm giá dầu. Đợt thắt lưng buộc bụng trầm trọng hóa vấn đề của nhiều doanh nghiệp tư nhân, những hãng mà trong nhiều thập kỷ đã dựa vào chi tiêu chính phủ để đi lên. Thiệt hại của các doanh nghiệp này bao gồm việc hàng ngàn lao động ngoại quốc, từng đến để làm những việc nhận lương thấp trong ngành xây dựng, phải đối mặt với “ác mộng sa mạc”.
|
Những công nhân bị bỏ rơi, trong đó có 16.000 người đến từ Ấn Độ và Pakistan, chưa hề nhìn thấy phiếu lương suốt tám tháng qua. Dưới hệ thống bảo trợ gọi là “kafala”, người lao động cũng chưa được cấp thị thực xuất cảnh mà họ cần để rời khỏi nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới. Ở Ả Rập Xê Út, việc sắp xếp các thị thực loại này phụ thuộc vào doanh nghiệp, nhưng trước hết các công ty sẽ phải trả lương và lợi ích cho người lao động.
Các cuộc gọi điện thoại đến hãng Saudi Oger và Saudi BinLadin Group không được hồi đáp. Theo lệnh của Vua Salman, những công nhân bị mắc kẹt sẽ được cấp thực phẩm và dịch vụ y tế. Bộ Lao động Ả Rập Xê Út cho hay người lao động ngoại được bảo đảm quyền lợi, có thể nhận thị thực xuất cảnh trực tiếp từ nhà nước. Song phía công nhân nói rằng họ không muốn đi khi chưa nhận được tiền.
Điều kiện sống tại các trại lao động, nơi người Bangladesh, Ấn Độ, Sri Lanka, Pakistan và Philippines, đang sinh sống hôi hám và chật chội.
Tám người ngủ cùng trong căn phòng bê tông nhỏ và dùng chung nhà vệ sinh bẩn với những chú mèo hoang. Nhiệt độ lên đến 50 độ C vào mùa hè, trong khi điện cấp cho máy điều hòa thì thường bị cúp. Vài người cơ cực đến nỗi chỉ còn một bộ quần áo để mặc.
|
Mohammed Khan, y tá người Ấn đến từ thành phố Mumbai đang sống ở trại Saudi Oger, hiện phải chăm sóc các bệnh nhân bị tiểu đường, cao huyết áp và tăng mỡ máu mà không có thuốc.
“Họ không thể đến bệnh viện vì họ không có bảo hiểm. Họ không có tiền”, y tá 45 tuổi chia sẻ. Công nhân nói rằng hãng Saudi Oger đã ngừng chính sách trả tiền bảo hiểm y tế cho họ.
Một lao động khác là ông Shahid Iqbal, người đã dành nửa quãng đời 39 năm của mình làm việc cho Saudi Oger, thì phải vay 3.000 riyal, hay 800 USD, để giúp vợ sinh con ở quê nhà Pakistan. Ông mượn thêm 15.000 riyal nữa để đủ sống trong tám tháng “đói” lương.
Ông Iqbal nói trong nước mắt: “Tôi đã nộp đơn nghỉ việc ở công ty. Tôi chỉ còn chờ được nhận tiền. Tiền sau khi kết thúc công tác của tôi là 45.000 riyal. Nếu tôi không lấy được số tiền đó về Pakistan, tôi chẳng còn gì”.
Công nhân Nasser Abdul Manaf thì cho hay ông buộc phải cho con mình, đang sống ở Hyderabad (Ấn Độ) thôi học vì không xoay sở được chi phí. Sáu tháng qua, ông không trả được tiền thuê nhà của gia đình là 90 USD/tháng và cho hay chủ nhà đang có ý định đuổi gia đình ông đi.
“Tôi không có nơi nào để đi. Họ sẽ bị đuổi ra đường”, người công nhân 46 tuổi cho biết. Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho hay có hơn 4.050 công dân nước họ đang không được trả lương và mắc kẹt tại trại Saudi Oger.
|
Hàng thập niên qua, Ả Rập Xê Út là nơi cung cấp công ăn việc làm cho hàng triệu lao động nước ngoài, giúp họ cải thiện cuộc sống cho gia đình ở quê nhà. Năm 2014, Ả Rập Xê Út xếp thứ nhì, sau Mỹ, trong danh sách các nước là nguồn kiều hối của người lao động lớn nhất, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB).
Dù vậy, giá dầu giảm thay đổi nhiều điều. Chính phủ Ả Rập Xê Út nỗ lực chỉnh sửa tài chính công, tác động đến ngành công nghiệp vốn đã chật vật trong bối cảnh suy thoái xây dựng. Các công ty như Saudi Oger và Saudi BinLadin Group trì hoãn trả lương và cắt giảm hàng ngàn việc làm.
Tại trại dành cho nhân viên Saudi Binladin Group bên ngoài thủ phủ Riyadh, một số công nhân không được trả lương trong 10 tháng. Trong số này có cả nhân viên bảo vệ người Ai Cập và Ả Rập Xê Út, những người vẫn đang làm việc tại cửa trước.
Cửa hàng tại trại lao động hỗ trợ nhân viên bằng cách cung cấp các loại hàng hóa, những món đồ mà họ phải trả tiền lại một khi nhận được lương, Carlos Nagac, thợ sơn 38 tuổi đến từ đảo Cebu (Philippines) cho hay. “Tất cả những gì tôi muốn là nhận được lương rồi về nhà”, ông Nagac chia sẻ, nhớ đến bốn đứa con ông bỏ lại tại quê hương.
tin liên quan
Doanh nghiệp Ả Rập Xê Út sa thải 50.000 nhân côngSau thông tin trên là một cảnh hiếm thấy ở quốc gia Trung Đông: Những người biểu tình bị mất việc làm vì giá dầu sụt giảm đốt cháy bảy chiếc xe buýt.
Trong lúc ông Nagac và nhiều người khác ngóng trông tiền lương của họ, triển vọng của các doanh nghiệp Ả Rập Xê Út vẫn ảm đạm. Giám đốc nghiên cứu kinh tế John Sfakianakis tại Trung tâm Nghiên cứu Vùng Vịnh cho hay các công ty xây dựng không có tiền để trả cho nhân viên. Hợp đồng xây dựng đã giảm khoảng 65% trong qúy 2/2016 so với cùng kỳ năm ngoái.
Bình luận (0)