Những ngày qua, giá vàng thế giới liên tục lập các đỉnh cao mới do hoạt động mua ròng kéo dài của ngân hàng T.Ư nhiều nước đã kích hoạt hành động mua vàng của các quỹ, các tổ chức và các nhà đầu tư cá nhân. Nhiều nước, trong đó có Trung Quốc kiên trì mua vàng trong gần 2 năm qua.
Biến động của giá vàng thế giới ngay lập tức tác động tới giá vàng trong nước, đặc biệt là giá vàng nhẫn tròn trơn. Giá mặt hàng này liên tục lập đỉnh, lên tới mức bán ra cao nhất 78,6 triệu đồng/lượng ngày 10.4. Hôm nay 11.4, dù giá vàng nhẫn đã quay đầu giảm, song vẫn neo ở mức cao.
Trả lời câu hỏi của Thanh Niên về xu hướng biến động giá vàng tại buổi họp báo của ADB sáng nay 11.4, tại Hà Nội, ông Nguyễn Bá Hùng, Kinh tế trưởng Cơ quan đại diện thường trú tại Việt Nam của ADB, nhìn nhận vừa qua thị trường vàng thế giới có nhiều biến động.
Với thị trường vàng thế giới, thông thường vàng được dùng là công cụ quản lý rủi ro khi có những biến động về chính trị. Động thái mua ròng vàng thể hiện phản ứng của các ngân hàng T.Ư đối với những biến động chính trị thời gian qua.
"Trong bối cảnh địa chính trị thuận lợi, nhu cầu vàng sẽ thấp. Ngược lại, khi địa chính trị căng thẳng, nhu cầu vàng sẽ cao", ông Hùng nói.
Biến động vàng ngày 11.4: Giá vàng miếng rớt khỏi mức kỷ lục, vàng nhẫn vẫn neo gần 78,5 triệu
Với thị trường vàng trong nước, theo ông Hùng, chủ yếu là biến động của cung - cầu. Tâm lý thị trường vàng Việt Nam rất đặc thù. Ở góc độ cung - cầu, nguồn cung vàng trong nước rất hạn chế. Khi có biến động, tác động về tâm lý hoặc do các xu hướng, kể cả chính sách tiền tệ với lãi suất thấp, các công cụ đầu tư khác không quá hấp dẫn…, nhu cầu về vàng tăng lên. "Trong nước, cầu tăng mà cung không tăng thì giá tăng", ông Hùng nói.
Cho rằng vàng cũng là hàng hóa cơ bản, về quản lý nhà nước với vàng, theo Kinh tế trưởng Cơ quan đại diện thường trú của ADB tại Việt Nam, cách tiếp cận của Chính phủ hiện nay vẫn kiểm soát thị trường vàng mang tính hành chính.
"ADB không tham gia vào sửa Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng về nguyên tắc, nếu tiếp cận kết hợp, cân đối biện pháp quản lý nhà nước theo các góc độ thì thị trường vàng sẽ vận hành hiệu quả hơn.
Cụ thể như, kết hợp việc quản lý vàng tương tự như một công cụ tiền tệ và sản phẩm tài chính để đầu tư, đồng thời cũng là hàng hóa có cung - cầu", ông Hùng bày tỏ quan điểm.
Không can thiệp nhanh, giá vàng còn diễn biến khó lường
Ở thời điểm hiện tại, ổn định thị trường vàng trông chờ rất lớn vào việc sửa đổi Nghị định 24. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa công bố bất kỳ thông tin chi tiết nào về dự kiến nội dung cũng như tiến độ sửa đổi nghị định này.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, chậm trễ sửa đổi Nghị định 24, đặc biệt là các nội dung liên quan đến độc quyền vàng miếng SJC cũng như nhập khẩu vàng sẽ khiến giá vàng trong nước ngày càng diễn biến khó lường khi giá vàng thế giới tiếp tục tăng cao.
Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, nếu bỏ độc quyền vàng, giá vàng miếng lập tức có thể giảm thêm 10 triệu đồng/lượng.
Cạnh đó, hiện chỉ có Ngân hàng Nhà nước được nhập khẩu vàng, do đó nguồn cung vàng trên thị trường không dồi dào; khi xuất hiện lực mua hoặc bán sẽ làm cho giá tăng, giảm đột biến.
Giá vàng trong nước đang nhận được cú hích từ căng thẳng địa chính trị trên thế giới, xu hướng mua vàng để đa dạng hóa dự trữ ngoại hối của các ngân hàng T.Ư và nhu cầu của người dân.
Nhìn nhận khi Ngân hàng Nhà nước chưa có biện pháp can thiệp thị trường thì giá vàng SJC và vàng nhẫn còn tăng, mức chênh lệch so với giá vàng thế giới vẫn rất cao, ông Hiếu đề xuất Ngân hàng Nhà nước nên cho một số doanh nghiệp kinh doanh vàng nhập khẩu để thị trường trong nước liên thông với thế giới, đồng thời kiểm soát bằng hạn ngạch xuất nhập khẩu trong một năm.
"Chắc chắn, Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc nhiều phương án trong sửa đổi nội dung Nghị định 24. Sự tồn tại của thị trường vàng minh bạch sẽ khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh vàng, tạo điều kiện cho việc huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực vàng trong nền kinh tế", ông Hiếu nhấn mạnh.
Cuối giờ sáng 11.4, các đơn vị kinh doanh giảm giá vàng nhẫn từ 200.000 đến 1,2 triệu đồng mỗi lượng.
Cụ thể, Tập đoàn Doji giảm giá vàng nhẫn 1,2 triệu đồng/lượng sau khi đẩy giá lên mức kỷ lục 78,6 triệu đồng/lượng, mua vào 75,85 triệu đồng/lượng, bán ra 77,4 triệu đồng/lượng.
Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vào 76,08 triệu đồng/lượng, bán ra 77,88 triệu đồng/lượng. Công ty Phú Quý mua vào 76,1 triệu đồng/lượng, bán ra 77,7 triệu đồng/lượng. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) mua vào 74,8 triệu đồng/lượng, bán ra 76,6 triệu đồng/lượng… Giá mua vào của các đơn vị thấp hơn bán ra từ 1,5 - 1,8 triệu đồng mỗi lượng.
Trong khi đó, giá vàng miếng SJC tăng nhẹ trở lại 100.000 đồng mỗi lượng. SJC mua vào 82,3 triệu đồng/lượng, bán ra 84,3 triệu đồng/lượng. Tập đoàn Doji mua vào 82,2 triệu đồng/lượng, bán ra 84,2 triệu đồng/lượng. Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu mua vào 82,25 triệu đồng/lượng, bán ra 84,15 triệu đồng/lượng…
Giá vàng nhẫn hiện cao hơn thế giới 5,6 - 6,7 triệu đồng/lượng, còn vàng miếng SJC cao hơn ở mức 13,1 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước giảm, ngược chiều so với giá thế giới. Kim loại quý trên thị trường quốc tế tăng 11 USD/ounce so với đầu ngày, lên 2.346 USD/ounce.
Bình luận (0)