AFCON 2021: Thay đổi xu hướng dùng HLV ở châu Phi

10/01/2022 07:52 GMT+7

14/24 đội tuyển quốc gia đang tranh tài tại VCK Cúp châu Phi (AFCON 2021) được dẫn dắt bởi HLV bản xứ. Đây là thay đổi đáng kể so với truyền thống thích dùng “thầy ngoại” của bóng đá châu Phi.

Tại AFCON 2019, cả hai đội vào tranh chung kết là Algeria và Senegal đều được dẫn dắt bởi HLV bản xứ. Đó cũng chính là 2 trong 3 ứng viên vô địch nặng ký nhất tại giải năm nay (cùng với Ai Cập). Thành công rực rỡ của Algeria dưới tay HLV Djamel Belmadi, và sự ổn định của đội tuyển Senegal thời Aliou Cisse hẳn đã trở thành dấu ấn quan trọng và gây ảnh hưởng, kích hoạt trào lưu dùng “thầy nội” của bóng đá châu Phi.

Algeria dưới tay HLV Djamel Belmadi đã vô địch châu Phi lần trước

AFP

Tóm lại, trường phái dùng HLV bản xứ đang thắng thế. Nhưng tranh cãi thì vẫn còn đó: bóng đá châu Phi nên hay không nên ưu tiên dùng HLV ngoại (mà tuyệt đại đa số đến từ châu Âu hoặc 3 cường quốc bóng đá Nam Mỹ). Lần gần đây nhất đội tuyển Nigeria lọt vào giai đoạn knock-out ở đấu trường World Cup là năm 2014. Khi ấy, Nigeria cũng là đương kim vô địch châu Phi. Hành trình tiến xa tại World Cup 2014 và vô địch AFCON 2013 của Nigeria đều được dẫn dắt bởi HLV bản xứ Stephen Keshi. HLV này từng gây chú ý khi trả lời phỏng vấn về sự khác biệt giữa HLV nội và ngoại ở châu Phi. Ông nói: “Khi trao ghế HLV trưởng ĐTQG cho người bản xứ, các liên đoàn bóng đá luôn đặt chỉ tiêu vô địch châu Phi, vào VCK World Cup, thắng mọi trận đấu. Còn khi mời HLV nước ngoài, họ chỉ nhắc các thầy rằng hãy yên tâm làm quen với đặc điểm bóng đá châu Phi; có ít nhất 1 năm để thích ứng, hòa nhập mà không phải lo nghĩ về thành tích”.

Nặng lời một tí, có thể chỉ trích giới điều hành bóng đá châu Phi rất… sợ “thầy ngoại”. Còn nói ở mức độ vừa phải như Keshi thì đó chính là sự thật: HLV nước ngoài luôn được ưu tiên hơn trong cách đối xử của các liên đoàn bóng đá. HLV ngoại thường lãnh lương cao, có khi chỉ cần đi du lịch “để hiểu thêm về đất nước chúng tôi” trong thời gian đầu! Ở thái cực ngược lại, nhà báo Mali Bakary Cisse với hàng chục năm theo sát bóng đá châu Phi, khẳng định: “Đa số HLV bản xứ đều không được tôn trọng đúng mức, không có đủ cơ hội vươn lên, ngay trong nền bóng đá của họ”. Ý kiến này lập tức được số đông các HLV châu Phi tán thành.

Trên nguyên tắc, HLV bản xứ hiểu rõ ĐTQG của họ cũng như bóng đá châu Phi, hiểu cả đặc điểm chuyên môn lẫn suy nghĩ, cách sống của cầu thủ châu Phi. Nhưng trên thực tế, cũng có cái lý để giới bóng đá châu Phi hướng đến thầy ngoại. Nền tảng quan trọng để phát triển một nền bóng đá là giải VĐQG, nhưng đa số các giải đấu quốc nội ở châu Phi đều có chất lượng rất thấp, từ chuyên môn đến tổ chức, đâu có gì để phải “hiểu rõ”. Tài năng lớn của bóng đá châu Phi thì đã sang châu Âu thi đấu hết rồi.

Dù sao đi nữa, không thể trông mong các HLV nước ngoài vừa phát huy năng lực chuyên môn, lại vừa hướng đến tương lai của nền bóng đá, khi dẫn dắt một đội bóng châu Phi. Họ dĩ nhiên chỉ quan tâm đến thành tích của bản thân mình. Bóng đá trẻ và lực lượng kế thừa không phải là mối quan tâm của họ. Giám đốc kỹ thuật Pascal Yougbare của Burkina Faso lưu ý chi tiết này, khi ông ngả theo trường phái dùng HLV bản xứ. Ông Yougbare nói: “Chúng tôi đã ưu tiên phát triển lực lượng HLV nội trong hàng chục năm”. HLV nội Mohamed Magassouba của đội Mali thừa nhận: “HLV bản xứ ở châu Phi nhìn chung còn nhiều điều phải học hỏi”. Nhưng ông nói thêm: “Hãy cho phép họ thất bại, sai lầm, vì tự thân họ sẽ rút được kinh nghiệm, cải thiện năng lực và phát triển qua những thất bại, sai lầm”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.