Afghanistan ngày càng rối ren

12/08/2021 07:00 GMT+7

Lực lượng Taliban đang tiến công mạnh tại nhiều đô thị lớn ở Afghanistan, khiến nguy cơ bất ổn gia tăng nhanh chóng.

Giới chức Afghanistan ngày 11.8 xác nhận Taliban đã chiếm giữ TP.Faizabad, thủ phủ của tỉnh miền bắc Badakhshan.
AFP dẫn lời nghị sĩ địa phương Zabihullah Attiq cho hay sau nhiều ngày giao tranh, lực lượng an ninh đã hứng chịu sức ép dữ dội của Taliban vào tối 10.8 và phải thoái lui.
Các cuộc tấn công của Taliban gia tăng từ tháng 4, khi Mỹ và NATO thông báo sẽ chấm dứt hiện diện quân sự tại Afghanistan sau gần 20 năm. Nhiều nước đã đưa hết binh sĩ về nước, trong khi Mỹ đã hoàn thành 95% trước hạn chót ngày 31.8.

Tình báo Mỹ: Kabul có thể thất thủ trước Taliban trong 90 ngày tới

Taliban kiểm soát 65% lãnh thổ

Đợt tiến công của Taliban đang được đẩy mạnh tại nhiều vùng khắp Afghanistan, đặc biệt là khu vực miền bắc vốn lâu nay do lực lượng chính phủ kiểm soát. Theo thống kê, chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, Taliban đã chiếm 9 thủ phủ của 9 trong tổng số 34 tỉnh tại Afghanistan. Một quan chức cấp cao của Liên minh Châu Âu (EU) hôm 10.8 cho biết Taliban hiện kiểm soát đến 65% lãnh thổ Afghanistan và tìm cách cô lập thủ đô Kabul khỏi các lực lượng ủng hộ truyền thống ở miền bắc.
Tổng thống Ashraf Ghani hôm qua tức tốc bay đến TP.Mazar-i-Sharif, thủ phủ của tỉnh Balkh ở miền bắc để gặp gỡ các lãnh đạo địa phương và động viên binh sĩ khi Taliban đang lăm le chiếm luôn thành phố lớn nhất khu vực và có vị trí chiến lược này. Giới quan sát nhận định việc để mất Mazar-i-Sharif sẽ là thảm họa cho chính quyền Kabul và là sự sụp đổ hoàn toàn quyền kiểm soát của chính phủ tại khu vực miền bắc.
Tại các tỉnh miền nam như Kandahar và Helmand, chiến sự cũng đang diễn ra ác liệt. Lực lượng Taliban được cho là đang nhắm đến một số nhà tù nhằm giải thoát cho các thành viên.

Mỹ không hối tiếc

Trái ngược với diễn biến dồn dập trên chiến trường, cuộc đàm phán giữa Taliban và chính quyền Kabul tại Qatar lại đang giậm chân tại chỗ. Đặc phái viên Mỹ về hòa giải Afghanistan, ông Zalmay Khalilzad hôm 10.8 đã bay sang Qatar để cảnh báo với Taliban rằng một chính phủ được dựng lên bằng bạo lực sẽ không được cộng đồng quốc tế công nhận, theo AP. Taliban tuyên bố lực lượng này cam kết với cuộc đàm phán hòa bình và tố cáo đại diện chính phủ Afghanistan không chấp nhận bên trung gian. Trái lại, phái đoàn chính phủ cáo buộc Taliban không màng đến đàm phán mà chỉ muốn đạt được mục đích bằng bạo lực.

Taliban kiểm soát hơn 60% lãnh thổ Afghanistan, Tổng thống Biden không hối tiếc quyết định rút quân

Về phía Mỹ, Bộ Ngoại giao nước này mới đây chỉ trích mức độ bạo lực tại Afghanistan hiện nay là không thể chấp nhận và không phù hợp với thỏa thuận mà Taliban đã cam kết với Mỹ tại Qatar hồi năm 2020. Lực lượng Mỹ vẫn đang tiến hành một vài cuộc không kích để hỗ trợ quân chính phủ Afghanistan, nhưng giới chức Lầu Năm Góc thừa nhận việc đó không đủ để giải quyết toàn bộ vấn đề.
Theo cảnh báo của cộng đồng tình báo Mỹ, chính quyền Afghanistan có thể sụp đổ vào năm 2022 nếu Taliban tiếp tục mở rộng vùng kiểm soát. Tuy nhiên, Tổng thống Joe Biden gọi đây là nhận định sai lầm vì quân đội Afghanistan đông hơn và được trang bị đầy đủ hơn. Nhà lãnh đạo cam kết Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ không kích, khí tài, thực phẩm và tài chính, nhưng điểm mấu chốt nằm ở người dân Afghanistan.
“Các lãnh đạo Afghanistan phải đoàn kết. Họ phải chiến đấu vì chính họ và vì đất nước của họ”, ông Biden nói và nhấn mạnh rằng không hối tiếc về quyết định rút lính Mỹ về nước.

Afghanistan tung video không kích khiến Taliban "chịu thương vong nặng nề"

Giới chuyên gia nhận định một chiến thắng của Taliban sẽ làm dấy lên nguy cơ về an ninh cho khu vực và cả phương Tây, bên cạnh đó còn là các vấn đề về nhân quyền hay di cư. Mới đây, 6 nước EU kêu gọi cơ quan lãnh đạo khối này không nên trì hoãn việc trục xuất người Afghanistan xin tị nạn nhưng bị từ chối tại châu Âu, trước lo ngại tái diễn cuộc khủng hoảng nhập cư như giai đoạn 2015 - 2016.
Nga liên tục tập trận
Trong bối cảnh chiến sự leo thang ở Afghanistan, Nga và các nước đồng minh, đối tác gần đây liên tục tập trận. AFP đưa tin Nga và Uzbekistan hôm 10.8 kết thúc cuộc tập trận chung với Tajikistan gần biên giới Afghanistan. Trong khi đó, quân đội Nga cũng đang tập trận chống khủng bố với Trung Quốc tại khu tự trị Ninh Hạ (tây bắc Trung Quốc). Báo Kommersant ngày 11.8 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho hay Taliban đã cam kết không vượt qua biên giới nhưng Moscow sẽ tiếp tục tập trận chung với đồng minh trong khu vực.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.