Ai 'bảo kê' bãi xe lấn chiếm hàng ngàn mét vuông sông?: Làm rõ ai bao che cho 2 bãi xe

02/04/2021 06:24 GMT+7

Tổ liên ngành được coi là giải pháp để xử lý dứt điểm những vi phạm của 2 bãi xe trá hình, nhưng nếu không làm quyết liệt thì cũng chỉ là bình mới, rượu cũ.

Đồng tình có “bảo kê”

Khi nhắc đến 2 bãi xe 391 và 397 Đinh Bộ Lĩnh, P.26, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, một lãnh đạo Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM chia sẻ, bản thân thấy nản vì đã đề cập đến chuyện 2 bãi xe này hoạt động như bến cóc được “bảo kê” cả chục năm qua nhưng chính quyền sở tại, thanh tra với công an đều không lắng nghe.
Đọc xong 3 bài viết của Báo Thanh Niên, TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM, đại biểu HĐND TP.HCM, đồng tình với nhận định phải có “bảo kê” thì mới có chuyện 2 bãi xe vi phạm thời gian dài mà không bị xử lý. Do đó, các đơn vị liên quan phải tự kiểm tra lại ngành của mình giống như hiện tượng xăng giả vừa rồi, khi Bộ Công an vào cuộc kiểm tra thì mới phát hiện có “bảo kê” - liên quan đến một số cá nhân thuộc cơ quan chức năng. “Câu chuyện bãi xe có “bảo kê” là điều mà người dân thành phố đồng tình, bởi họ thắc mắc tại sao luật không được thực hiện nghiêm minh. Cộng đồng muốn mọi chuyện phải rõ ràng nhưng sao 2 bãi xe vẫn cứ còn hoài, không giải quyết tận nơi tận gốc”, TS Thắng nhìn nhận.
Do vậy, đại biểu Thắng đề nghị các đơn vị liên quan như UBND Q.Bình Thạnh, Sở GTVT, Công an TP.HCM, Thanh tra TP.HCM cùng vào cuộc thì sẽ làm rõ được ai “bảo kê”, chống lưng cho 2 bãi xe này. Ngoài ra, HĐND TP.HCM khóa tới cũng nên đặt mục tiêu giám sát, khảo sát tình trạng xe dù bến cóc để đảm bảo luật lệ được thực hiện nghiêm minh và sự an toàn giao thông cho người dân.
Chiều 31.3, ông Vũ Ngọc Tuất, Bí thư Quận ủy Bình Thạnh, cho biết đã đưa vụ việc mà Báo Thanh Niên phản ánh để xử lý theo Quy định 1374 của Thành ủy TP.HCM về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước để xử lý. “Sau khi báo phản ánh, tại cuộc họp Ban Chấp hành Đảng bộ Q.Bình Thạnh (ngày 31.3), tôi đã chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Quận ủy phối hợp với UBND Q.Bình Thạnh khẩn trương làm rõ có ai bao che cho 2 bãi xe này hay không”, ông Tuất cho hay.

Hành động ít, giải thích nhiều

Là cấp chính quyền gần dân nhất, nhưng trong thời gian dài UBND P.26, Q.Bình Thạnh không hay biết chuyện người nhà chủ khu đất 397 Đinh Bộ Lĩnh lấn chiếm cả gần 800 m2 đất sông Bình Triệu. Trả lời PV Báo Thanh Niên về việc trong thời gian từ năm 2015 - 2019 có kiểm tra, phát hiện hành vi chiếm đất hay không thì ông Lê Minh Hiếu, Chủ tịch UBND P.26, nói rằng ông mới nhận công tác tại phường tháng 8.2020, mà hành vi lấn chiếm đất diễn ra từ giai đoạn 2015 - 2016 nên không rõ. “Họ đâu làm công khai trong giờ hành chính để mang đất đổ xuống sông đâu. Khi đã đối phó rồi thì họ canh trời tối, lực lượng chức năng không thể xuống canh”, ông Hiếu phân trần. Chủ tịch UBND P.26 hứa, sau khi quận cưỡng chế phần đất lấn sông (dự kiến trong quý 2/2021), phường sẽ tăng cường kiểm tra, vận động người dân, tổ dân phố “ngó giúp” để phát hiện, ngăn chặn tái chiếm đất.
Q.Bình Thạnh cam kết thực hiện công tác cưỡng chế phần đất lấn chiếm của 2 bãi xe 391 và 397 Đinh Bộ Lĩnh trong quý 2/2021 ẢNH: SỸ ĐÔNG

Q.Bình Thạnh cam kết thực hiện công tác cưỡng chế phần đất lấn chiếm của 2 bãi xe 391 và 397 Đinh Bộ Lĩnh trong quý 2/2021

ẢNH: SỸ ĐÔNG

Về hoạt động của 2 bãi xe, ông Hiếu cho rằng nếu xác định 2 bãi xe này hoạt động như bến cóc thì Thanh tra Sở GTVT TP.HCM cũng có chức năng xử lý. “Tôi cũng mong phối hợp làm cho rồi chứ vụ này để nói hoài mà không thấy nhúc nhích gì. Phường thì con người, chuyên môn cũng có giới hạn. Có mấy anh thanh tra đi cùng, xác định hành vi vi phạm, phường đứng ra lập biên bản để sau này khi thanh tra rút đi thì phường cũng có kinh nghiệm để làm”, ông Hiếu cho hay.
Tuy nhiên, khi PV Báo Thanh Niên đề cập việc đã nhập vai đón xe tại bãi xe và chứng kiến cảnh xe đón khách dọc đường, sau đó thu tiền thì ông Hiếu nói rằng, sự việc xảy ra ở địa bàn khác nên không biết và không có thẩm quyền lập biên bản mà phải do Thanh tra Sở GTVT xử lý.
Về việc không đề nghị thu hồi giấy phép kinh doanh, ông Hiếu nói: “Nhìn từ dốc cầu đi xuống thấy xe ra vào bãi xe nguy hiểm đó, nhưng mà nhà nước không cấm kinh doanh đoạn từ dốc cầu trở xuống thì họ vẫn được cấp giấy phép kinh doanh” và đề nghị: “Tôi cũng mong sao có tổ liên ngành túc trực, phường sẵn sàng hỗ trợ liền. Cứ chốt luôn một tháng, lực lượng gồm Công an TP.HCM, thanh tra giao thông, công an quận, UBND phường cử lực lượng ra chốt, trong đó có một người làm nhạc trưởng”.
Sau khi bài báo Ai “bảo kê” bãi xe lấn chiếm hàng ngàn mét vuông sông? đăng trên Thanh Niên số ra ngày 30.3 thì cùng ngày, UBND Q.Bình Thạnh đã có văn bản phản hồi về nguồn gốc pháp lý, quá trình quản lý, sử dụng và việc xử lý vi phạm tại 2 khu đất số 391 và 397 Đinh Bộ Lĩnh. Đáng chú ý, văn bản dài 7 trang nhưng không đề cập việc xử lý trách nhiệm cá nhân để xảy ra sự vụ kéo dài hơn chục năm qua. Thay vào đó, UBND Q.Bình Thạnh tiếp tục đưa ra hàng loạt lý do như dịch Covid-19, quy định pháp luật chưa rõ, thẩm quyền xử phạt không có, bị nhà xe đối phó... để giải thích cho việc không cưỡng chế đất lấn chiếm sông Bình Triệu cũng như không dẹp được 2 bến cóc.

Họp khẩn bàn cách xử lý 2 bãi xe

Ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết đã yêu cầu Thanh tra Sở GTVT phối hợp với Phòng CSGT TP.HCM lập chốt xử lý xe khách vi phạm về đón, trả khách tại 2 bãi đậu xe này trong vòng một tháng. Ông Hưng cũng đề nghị Công an TP.HCM và UBND 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức phối hợp, vận dụng quy định pháp luật để xử lý các điểm đón, trả khách hoạt động không đúng quy định.

Không có gì phải ngại

Mới nhận công tác từ tháng 11.2020, ông Đinh Khắc Huy, Chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh, cho hay sẽ nắm lại toàn bộ quá trình vụ việc ở 2 bãi xe; đồng thời khẳng định sẽ làm quyết liệt, trước mắt là ra quân xử lý các hành vi vi phạm.
Trước lo ngại của dư luận về chủ bãi xe 391 Đinh Bộ Lĩnh là cán bộ ngành công an (mới về hưu) sẽ khiến tổ liên ngành “ngại” đụng chạm, ông Huy cho rằng, tổ liên ngành có sự tham gia của các sở ngành nên “không có gì phải ngại”, đây là trách nhiệm mà quận phải xử lý để mọi chuyện tốt hơn. 
Hôm qua 1.4, UBND Q.Bình Thạnh tổ chức cuộc họp khẩn với sự tham dự của một số phòng chuyên môn trực thuộc, Công an TP.HCM, Công an Q.Bình Thạnh, Sở GTVT và Thanh tra Sở GTVT TP.HCM. Một thành viên tham dự cuộc họp cho biết, các đơn vị đã thống nhất phương án thành lập tổ liên ngành do UBND Q.Bình Thạnh chủ trì, thành viên là các phòng chuyên môn như TN-MT, quản lý đô thị, công an quận, CSGT, thanh tra giao thông… Sau khi chốt lại thời điểm hoạt động và cách thức thực hiện, tổ liên ngành sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra 2 bãi xe, vướng mắc đến đâu thì đơn vị chuyên môn sẽ đưa ra hướng xử lý đến đó.
Thực tế, việc thành lập tổ liên ngành không phải là giải pháp mới bởi năm 2019 - 2020, UBND Q.Bình Thạnh lập tổ liên ngành kiểm tra nhiều lần nhưng không phát hiện vi phạm nên không thể xử phạt. Do vậy, hiệu quả từ việc thành lập tổ liên ngành vẫn còn bỏ ngỏ nếu như không có sự quyết liệt từ phía chính quyền. “Quan trọng là phải có quy chế phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa bên trong bãi xe và ngoài đường thì mới xử lý dứt điểm được vi phạm của 2 bến cóc này”, một thành viên dự cuộc họp nói với PV.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.